Khi ngân hàng tiếp cận nghệ thuật

Như một công cụ phòng ngừa lạm phát và mở rộng danh mục đầu tư, giới siêu giàu tại Nhật Bản ngày càng quan tâm đến nghệ thuật như loại tài sản thay thế nhằm bảo toàn giá trị. Xu hướng này mở ra cơ hội kinh doanh mới cho các ngân hàng lớn trong nước.

Số liệu từ Cơ quan Văn hóa Nhật Bản cho biết, thị trường nghệ thuật Nhật Bản năm 2023 đạt khoảng 681 triệu USD, giảm 10% so với năm 2022 do ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, nhưng vẫn cao hơn 11% so với năm 2019. Giao dịch dưới 10.000USD chiếm tới 91% tổng số giao dịch, với giá trung bình mỗi tác phẩm khoảng 6.200USD.

P8b.jpg
Triển lãm nghệ thuật thủ công tại trụ sở MUFG. Ảnh: kogeistandard.com

Cả nước Nhật Bản hiện nay có hơn 2.060 phòng trưng bày nghệ thuật, trong đó 59% tập trung tại Tokyo. Khi nghệ thuật đang nổi lên như một kênh đầu tư đáng chú ý tại Nhật Bản, các tập đoàn tài chính hàng đầu như Mitsui Sumitomo, Mitsubishi UFJ và Mizuho đã liên kết nghệ thuật và kinh doanh để tiếp cận thị trường của giới nhà giàu theo cách riêng.

Mitsui Sumitomo Financial Group (SMFG) là một trong những ngân hàng tiên phong khai phá lĩnh vực này. Từ tháng 11-2021, SMFG đã thành lập một đội ngũ chuyên trách nghệ thuật để hỗ trợ khách hàng thượng lưu trong việc quản lý bộ sưu tập, đồng thời tài trợ cho các triển lãm nghệ thuật đương đại. Cuối tháng 5-2024, ngân hàng phối hợp tổ chức triển lãm các tác phẩm của nghệ sĩ Pháp ngay tại trụ sở Tokyo và nhà ga trung tâm. 65 tác phẩm đã được trưng bày tại đây từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 vừa qua. Đại diện SMFG nhận định: “Giới thượng lưu rất quan tâm đến nghệ thuật. Chúng tôi coi đây là điểm tiếp xúc chiến lược để xây dựng mối quan hệ với khách hàng".

Trong khi đó, Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) lại chọn cách tiếp cận nghề thủ công truyền thống, một phần của truyền thống nghệ thuật và văn hóa Nhật Bản. Từ tháng 8-2023, MUFG khởi động “Dự án Hỗ trợ sản phẩm thủ công truyền thống” và đã tổ chức triển lãm của cả các nghệ sĩ được công nhận là “bảo vật quốc gia sống” cùng các nghệ sĩ trẻ tại trụ sở chính ở Tokyo và Osaka. Ngân hàng này còn mua tác phẩm từ các nghệ nhân địa phương để trưng bày, tạo nên sự kết nối giữa ngân hàng và cộng đồng văn hóa địa phương.

Đến tháng 6-2024, MUFG đầu tư hơn 6 tỷ yên (khoảng 42 triệu USD) vào công ty sản xuất phim mới do Nhà xuất bản Kodansha thành lập, nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh quốc gia. Còn Mizuho Financial Group lại hướng đến thế hệ trẻ và sự sáng tạo học thuật. Năm 2023, Mizuho đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Đại học Nghệ thuật Tokyo. Tháng 3-2025, công ty đã khai trương các chi nhánh hướng đến người tiêu dùng dưới tên Mizuho Atelier tại các thành phố như Yokohama, trưng bày các tác phẩm của sinh viên đại học.

Bên cạnh chiến lược chủ động lồng ghép nghệ thuật vào dịch vụ tài chính, từ tổ chức triển lãm nghệ thuật đương đại đến hỗ trợ thủ công truyền thống, kết hợp quản lý tác phẩm của khách hàng…, các ngân hàng Nhật hiện đang nghiên cứu mở rộng sang các dịch vụ như quản lý tài sản nghệ thuật, hỗ trợ cho vay thế chấp bằng tác phẩm nghệ thuật và thậm chí là thành lập quỹ đầu tư chuyên biệt (art fund) để tiếp cận thị trường của giới nhà giàu. Theo giới chuyên gia, dù mô hình quỹ nghệ thuật còn khá mới mẻ tại Nhật, quốc gia này hoàn toàn có tiềm năng trở thành trung tâm quỹ nghệ thuật châu Á trong vòng 5-10 năm tới, nhờ sự kết nối giữa nghệ sĩ, nhà đầu tư và cộng đồng sưu tầm.

Tin cùng chuyên mục