Đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas bế tắc

Các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas tại Doha, Qatar về một lệnh ngừng bắn mới tại Gaza và thỏa thuận thả con tin đang bế tắc và có nguy cơ sụp đổ. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đang gây sức ép buộc Israel cải thiện tình hình nhân đạo tại Dải Gaza.

Trẻ em Gaza tại nơi ở bị Israel không kích. Ảnh: UNICEF
Trẻ em Gaza tại nơi ở bị Israel không kích. Ảnh: UNICEF

Israel trì hoãn?

Theo BBC, các quan chức Palestine cho rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong chuyến thăm Mỹ vừa qua đã cố tình trì hoãn tiến trình đàm phán ngừng bắn bằng cách cử một phái đoàn không có thẩm quyền thực sự đến Doha. Tiến trình này gồm việc rút quân đội Israel và phân phối viện trợ nhân đạo. Trước khi rời Mỹ hôm 10-7, Thủ tướng Netanyahu bày tỏ hy vọng sẽ hoàn tất thỏa thuận “trong vài ngày”. Theo ông Netanyahu, trong thời gian ngừng bắn kéo dài 60 ngày theo thỏa thuận được đề xuất, Hamas sẽ thả một nửa trong số 20 con tin còn sống mà họ đang giam giữ và trao trả thi thể hơn một nửa trong số 30 con tin đã chết.

Trong khi Hamas yêu cầu viện trợ nhân đạo phải vào Gaza và được phân phối thông qua các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) và các tổ chức cứu trợ quốc tế, Israel lại đang thúc đẩy việc phân phối viện trợ thông qua cơ chế gây tranh cãi, do Quỹ nhân đạo Gaza (GHF) điều hành, được nước này và Mỹ hậu thuẫn. Các quan chức Palestine cho rằng, Israel đang theo đuổi một chiến lược dài hạn về di dời cưỡng bức người Palestine tại Dải Gaza dưới vỏ bọc của kế hoạch nhân đạo. Theo LHQ, 86% diện tích Gaza nằm trong các khu vực quân sự hóa của Israel hoặc nằm trong phạm vi lệnh sơ tán của Israel.

Chương đen tối của Gaza

Theo báo Times of Israel, một nhà ngoại giao hàng đầu của EU cho biết khối này đang tìm cách gây sức ép buộc Israel cải thiện tình hình nhân đạo ở Gaza, trong bối cảnh các quốc gia thành viên cân nhắc hành động chống lại Israel vì những hành vi vi phạm nhân quyền tại đây. Trước đó, EU đã đưa ra 10 lựa chọn hành động chính trị chống lại Israel, bao gồm việc đình chỉ Hiệp định liên kết EU - Israel và các bước nhỏ hơn như đình chỉ các dự án hợp tác kỹ thuật giữa hai bên.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã kêu gọi đình chỉ ngay lập tức hiệp định liên kết nói trên trong bối cảnh “cuộc diệt chủng” đang diễn ra ở Dải Gaza. Phát biểu trước Quốc hội Tây Ban Nha, ông Sanchez chỉ trích mạnh mẽ Chính phủ Israel, tuyên bố rằng hành động của nước này ở Gaza “sẽ được ghi nhớ như một trong những chương đen tối nhất của thế kỷ 21”. Tây Ban Nha và Ireland đều đã chính thức yêu cầu EU đánh giá việc Israel tuân thủ các điều khoản của hiệp định này.

Báo cáo của Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Kaja Kallas công bố ngày 23-6 vừa qua kết luận có nhiều bằng chứng cho thấy Israel đã vi phạm điều khoản tôn trọng nhân quyền. Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) cũng cảnh báo tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính gia tăng nhanh chóng tại Gaza. Theo MSF, hiện có hơn 700 phụ nữ mang thai và cho con bú cùng gần 500 trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng đang điều trị tại các phòng khám của MSF. Tổ chức này khẳng định tình trạng suy dinh dưỡng ở Gaza là kết quả của “những lựa chọn có chủ đích và được tính toán kỹ lưỡng của Chính phủ Israel”.

Khi các cuộc đàm phán đang trong thời điểm quan trọng, phía Palestine đã kêu gọi Mỹ can thiệp mạnh mẽ hơn và gây áp lực buộc Israel đưa ra những nhượng bộ có ý nghĩa. Nếu không có sự can thiệp như vậy, những nhà hòa giải cảnh báo, khả năng đàm phán Doha có thể thất bại hoàn toàn.

Tin cùng chuyên mục