Thiếu nhịp sống trẻ
Nếu như những năm 2000, nhắc đến người trẻ đi công viên, người ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh những cặp tình nhân coi đây như chốn riêng tư, thì từ năm 2005-2015 là thời điểm của trào lưu tới công viên để rèn luyện ngoại ngữ, học kỹ năng. Thế nhưng đến nay, trào lưu này đã hạ nhiệt và người trẻ ít tới công viên hơn trước.
Chúng tôi làm cuộc khảo sát nhỏ với khoảng 30 bạn trẻ tại các công viên, quán cà phê và trường đại học. Một số cho biết, thường đi công viên vào ngày cuối tuần, còn hầu hết chia sẻ rằng, vài tháng mới đi công viên một lần và tùy mục đích để tới công viên nào.
Người trẻ sinh hoạt nhóm tại Công viên 30-4
Tại các công viên lớn ở TPHCM, người trẻ tập trung chủ yếu ở Công viên Tao Đàn, 30-4 và 23-9 để trau dồi kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ, sinh hoạt đội, nhóm. Còn các công viên như Lê Thị Riêng, Lê Văn Tám, Gia Định, ít thấy bóng dáng người trẻ hơn, vì đây là địa bàn của trẻ em vui chơi và người lớn tuổi tới tập thể dục, dưỡng sinh, khiêu vũ…
Trần Bình Minh (sinh viên ĐH Hoa Sen) cho biết: “Tôi ra công viên chỉ nhằm mục đích duy nhất là học ngoại ngữ nên chọn tới công viên 23-9 vào chiều thứ 7 hoặc chiều chủ nhật hàng tuần. Thời gian này thường có nhiều khách nước ngoài dừng chân ở công viên để nghỉ ngơi và giao lưu, vì vậy họ cũng rất nhiệt tình, vui vẻ trò chuyện với những người muốn luyện tiếng Anh giao tiếp”.
Nguyễn Ngân Hà (quận 3) tâm sự: “Ngày còn đi học, công viên là điểm tập kết của chúng tôi; cần tụ họp là lôi nhau ra công viên, vừa thoải mái lại không tốn tiền. Còn vài năm nay, tôi ít đi lắm, có khi cả năm hoặc vài tháng có việc mới tới Công viên Lê Thị Riêng, rồi tìm một góc thật vắng ngồi một mình để tĩnh tâm. Nhận xét về công viên ngày nay dưới mắt của một người đi làm, tôi thấy nó khá nhạt nhẽo và thiếu sức hút”.
Cần thay đổi để thu hút
Một thành viên Ban quản lý Công viên 23-9 cho biết, khoảng 2 năm nay, công viên này vẫn thu hút một lượng người trẻ đáng kể, nhưng so với vài năm trước thì chỉ bằng 50%. Người này đưa ra khá nhiều nguyên nhân như, phố đi bộ Nguyễn Huệ đưa vào sử dụng đã thu hút phần lớn giới trẻ; giới trẻ ngày nay có nhiều thú vui như họp nhóm trên mạng xã hội hay thích đi cà phê máy lạnh… Tuy nhiên, dưới con mắt người trẻ, nguyên nhân cơ bản nhất khiến họ không mặn mà vẫn là công viên chưa làm mới mình.
“10 năm nhìn lại, công viên vẫn chỉ là những hàng cây, vài bộ ghế ngồi thì liệu có đủ sức cạnh tranh với biết bao thú vui hiện nay đang nhắm đến giới trẻ? Tôi khẳng định là không thể cạnh tranh bởi người trẻ họ luôn cần sự tươi mới, sáng tạo. Nếu công viên chịu thay đổi, ví dụ như mở một vài thư viện sách trong công viên với nhiều đầu sách dành cho giới trẻ, một quầy triển lãm những sản phẩm giới trẻ yêu thích hoặc thường xuyên tổ chức ngày hội nho nhỏ dành cho sinh viên… thì sẽ thu hút giới trẻ hơn”, Phan Thanh Hải (sinh viên ĐH Kinh tế TPHCM) chia sẻ.
Cứ vài năm, TP lại có kế hoạch làm mới các công viên, nhưng chỉ dừng lại ở những chi tiết nhỏ, manh mún như, vài khu vui chơi cho trẻ em, một ít máy tập thể dục cho người lớn tuổi...
Nhắc đến Công viên Gia Định, giới trẻ vẫn tiếc hùi hụi khi nơi này bỗng vắng hoe bóng dáng người trẻ. Trước đây, nơi này giới trẻ thường đến tổ chức các chương trình nghệ thuật đường phố hay là nơi các câu lạc bộ, đội, nhóm chọn để chơi trò chơi lớn. Nay, một phần công viên bị cắt ra làm đường, một phần được cho thuê để mở sân bóng mini hay thường xuyên tổ chức các hội chợ nông sản khiến không gian nơi đây trở nên xô bồ, kém sức hút.
Liệt kê những dự án được xây dựng trên Công viên 23-9 như, khu mua sắm dưới lòng đất, sân khấu ca nhạc, quầy bar, quán cà phê, bãi xe, bạn trẻ Nguyễn Trúc Triều (nhân viên văn phòng ở quận 1) cho rằng: “Hiện chỉ còn một phần công viên là thực hiện đúng với chức năng, còn lại đều phục vụ mục đích kinh doanh nhưng không mang tính chất hoạt động cộng đồng. Tôi nghĩ, đó là lý do khiến người trẻ ít mặn mà với công viên. Giá như cũng kinh doanh nhưng là khu vui chơi cảm giác mạnh, là bể bơi hay những mô hình giải trí đang rất hấp dẫn trên thế giới… thì sẽ thu hút người trẻ hơn”.
Lấy ví dụ về những công viên ở nước ngoài, Vũ Ngọc Đức (tiếp viên hàng không, ngụ quận 7) cho biết: “Tôi có dịp ghé công viên ở các nước như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản... hầu hết công viên ở đó đều có diện tích rộng, có những khu cắm trại cho phép tổ chức nấu nướng, thường xuyên triển lãm những mô hình mô phỏng các khu du lịch nổi tiếng trên thế giới để thu hút mọi người tới chụp hình, các khu vui chơi với nhiều trò chơi hấp dẫn, ngày hội guitar, âm nhạc đường phố... Tôi nghĩ, cần phải có sự thay đổi để công viên không chỉ là hàng cây, thảm cỏ, vài bộ máy tập thể dục, mới đủ sức hút người trẻ”.