Khi tài nguyên Trái đất dần cạn kiệt - Thế giới đang “nợ sinh thái”

Bài 1: Thế giới đang “nợ sinh thái”
Khi tài nguyên Trái đất dần cạn kiệt - Thế giới đang “nợ sinh thái”

Bài 1: Thế giới đang “nợ sinh thái”

Dân số thế giới tăng nhanh cộng với chủ nghĩa tiêu dùng đang đẩy hành tinh chúng ta vào tình trạng “nợ sinh thái” ngày càng trầm trọng. Không chỉ rừng, năng lượng, đến cả nguồn tài nguyên nước cũng đang dần cạn kiệt. Kết thúc Hội nghị về đa dạng sinh học tại Nhật Bản vừa qua, các nhà nghiên cứu khẳng định, chúng ta chỉ còn cách tìm một hành tinh khác để sinh sống.

Trái đất đang bị suy thoái với tốc độ nghiêm trọng trong khi nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên của con người tăng vọt, cao hơn 50% so với khả năng Trái đất có thể chịu được. Theo Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), tính từ năm 1990 đến nay, mỗi năm thế giới mất đi mất 13 triệu ha rừng do nạn chặt phá rừng tràn lan. Diện tích rừng nguyên sinh hiện chỉ còn 36%, nhưng cũng đang bị đe dọa vì hàng năm có khoảng 6 triệu ha rừng có nguy cơ bị xóa sổ. Hiện có 76 nước trên thế giới không còn rừng nguyên sinh.

Chiếc giường gỗ giá 1 triệu USD

Áp lực tăng dân số, bất ổn chính trị, sự cướp bóc, khai thác gỗ, khoáng chất và đá quý đã khiến các nước châu Phi dường như bị xẻ nhỏ để dễ lợi dụng. Phát hiện mới đây của Cơ quan Điều tra môi trường và Nhân chứng toàn cầu (EIA) làm không ít người bàng hoàng khi có những chiếc giường được bán với giá 1 triệu USD tại Trung Quốc. Những chiếc giường này làm từ gỗ hồng sắc quý hiếm, loại gỗ chỉ có ở Công viên quốc gia Masoala của Madagascar.

Công viên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới nhưng nay cũng được xếp vào danh sách di sản gặp nguy hiểm. Nhu cầu về đồ gỗ tăng vọt của Trung Quốc, các nước châu Âu và tình trạng chính trị bất ổn ở Madagascar đã góp phần gia tăng tình trạng khai thác gỗ quý ở quốc đảo châu Phi này. Vì mối lợi khổng lồ: mua một cây gỗ hồng sắc chỉ với giá 10 USD nhưng xuất khẩu với giá vài ngàn USD, các tay lâm tặc đã phá rừng quốc gia này không thương tiếc.

Các nhà môi trường cảnh báo nước sông Hằng (tiểu lục địa Ấn Độ) bây giờ không thể dùng để ăn uống hay tắm giặt vì đã bị ô nhiễm.

Các nhà môi trường cảnh báo nước sông Hằng (tiểu lục địa Ấn Độ) bây giờ không thể dùng để ăn uống hay tắm giặt vì đã bị ô nhiễm.

Ngoài châu Phi, khai thác gỗ lậu còn gây tang thương cho các khu rừng sinh thái ở Mexico, Indonesia, vùng Amazone. Nếu như nạn phá rừng ở Mexico còn khiến đất đai bị xói mòn, dẫn đến tình trạng sa mạc hóa trên diện rộng, nạn phá rừng ở Indonesia còn gây thêm ô nhiễm môi trường đến các nước láng giềng vì những vụ cháy rừng do khai thác trong thời gian gần đây. Những quốc gia có tỷ lệ tàn phá rừng cao nhất thế giới hiện nay là Honduras (37%), Nigeria (36%), Philippines (32%), Benin (31%), Ghana (28%), Indonesia (26%)...

Theo thống kê, nhu cầu sử dụng gỗ bất hợp pháp hiện nay vẫn tiếp tục tăng cao, tập trung chủ yếu tại Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Hà Lan và đặc biệt Trung Quốc. Đáng chú ý hơn ở Trung Quốc, nơi được xem thị trường nhập khẩu và chế biến gỗ bất hợp pháp lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 98%.

Theo Tổ chức Nghiên cứu Chatham House, 1/5 lượng gỗ nhập khẩu của quốc gia này có nguồn gốc bất hợp pháp. Đa phần gỗ lậu được sơ chế trước khi nhập vào Trung Quốc, sau đó được chế biến lại để xuất sang các quốc gia khác.

Tự hủy hoại tương lai

Ai cũng biết, một khi nguồn tài nguyên thiên nhiên tích lũy hàng tỷ năm cạn kiệt thì không cách nào tái tạo được, đặc biệt nguồn năng lượng hóa thạch. Thế giới đang đứng trước nỗi lo một khi các mỏ dầu, mỏ khí đốt tự nhiên, than đá cạn kiệt, nhân loại sẽ xoay xở ra sao để duy trì cuộc sống.

Nếu như dầu mỏ và khí đốt từng là con át chủ bài của khu vực Arab, mang lại sự thịnh vượng cho khu vực thì hiện nay, các mỏ dầu này cũng đang ở trong tình trạng ngày càng khó khai thác vì đã khai thác quá lâu, từ hơn nửa thế kỷ qua. Một báo cáo mới đây của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) kết luận: sản lượng dầu lửa toàn cầu rất có thể đạt 96 triệu thùng/ngày vào năm 2012, nhưng khó thể vượt quá con số này vì rất ít những giếng dầu mới được phát hiện.

Nga chiếm hơn 10% trữ lượng dầu mỏ, 20% trữ lượng than của thế giới, 7% trữ lượng khí thiên nhiên... Với trữ lượng như vậy, hiện Nga đứng đầu thế giới về khí đốt thiên nhiên, đứng thứ hai về dầu mỏ và là nguồn cung cấp than và urani quan trọng cho thế giới. Dù vậy, theo nghiên cứu của các chuyên gia, khoảng 20-30 năm nữa, tài nguyên thiên nhiên ở Nga sẽ chẳng còn lại bao nhiêu. Hiện tỷ lệ khai thác dầu của Nga đã vượt quá 60%, việc tìm kiếm những mỏ mới thay thế ngày càng khó, 50 năm qua việc phát hiện những mỏ mới giảm 10 lần.

Đó cũng là tình hình chung của các nước có nguồn tài nguyên. Thời kỳ hoàng kim năng lượng của các quốc gia dầu lửa sẽ nhanh chóng biến mất và đối diện với thời kỳ cạn kiệt tài nguyên. Các mỏ than cũng không tránh khỏi số phận tương tự trong một hai thập kỷ nữa. Khi đó, muốn khai thác, con người càng phải đào sâu vào lòng đất. Nhưng càng đào sâu, càng nguy hiểm và càng ngốn nhiều tiền của hơn. Tình trạng khan hiếm nhiên liệu, năng lượng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.

Nguy cơ xung đột

Sự suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên đang diễn ra với mức độ nghiêm trọng, trong đó không thể không đau đáu trước nguồn tài nguyên nước đang khô cạn. Quá trình đô thị hóa, hoạt động nông nghiệp, công nghiệp và biến đổi khí hậu ngày càng gây áp lực nặng nề lên khối lượng và chất lượng nguồn nước.

Cụ thể hơn, 80% nguồn nước ngọt và 2/3 trong tổng số các con sông trên thế giới đang dần cạn nước. Những đợt hạn đang xuất hiện ở châu Âu, tiểu lục địa Ấn Độ, miền Đông Trung Quốc, phía Nam Mexico và khu vực phía Đông dãy Rocky ở Mỹ. Rất nhiều con sông hay hồ nước dần khô cạn vì con người dùng nước để tưới tiêu trong trồng trọt và sản xuất các sản phẩm công nghiệp mà nhờ đó đảm bảo cho cuộc sống. Đó là một nghịch lý vì để duy trì sự sống trước mắt, con người đang hủy hoại tương lai của chính mình.

Theo thống kê của các nhà khoa học, nhu cầu nước trên toàn thế giới sẽ tăng tới 45% trong khi nguồn nước đang cạn kiệt ở mức báo động và ngày càng hiếm dần. Dự báo đến trước năm 2030, có khoảng 60 quốc gia lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Hiện tại trên thế giới có khoảng 1,5 tỷ người (khoảng 1/4 dân số toàn cầu) không có nước sạch và hơn 2 tỷ người không đủ điều kiện vệ sinh, an toàn. Hàng năm, 3,6 triệu người chết vì các căn bệnh do nước ô nhiễm gây ra.

Khi nguồn nước bên trên đã cạn, tất yếu con người sẽ nghĩ ngay đến việc khai thác trữ lượng nước ngầm sâu dưới lòng đất. Song khi dùng hết lượng nước ngầm dự trữ trong lòng đất sẽ làm tăng thêm sự ô nhiễm nước, vì phân bón hóa học trong canh nông, các chất thải của con người và động vật cùng các hóa chất lại thẩm thấu vô lòng đất. Chính vì vậy, Tổ chức Quốc tế Khí tượng toàn cầu từng cảnh báo: “Sự ô nhiễm xâm nhập từ từ là trái bom nổ chậm đang de dọa toàn thể nhân loại”.

Hiện tượng “cầu vượt cung” khiến nhiều nơi trên thế giới, các tập đoàn kinh tế giành cung cấp nước cho cộng đồng. Những công ty tư nhân cho rằng nước còn quan trọng hơn dầu lửa và họ đang kiếm lời song song với việc củng cố quyền lực trong các vấn đề liên quan đến nước sạch (có nghĩa là liên quan đến an sinh của người dân). FAO cảnh báo, trong 15 năm tới sẽ có gần 2 tỷ người phải sống trong tình trạng bị thiếu nước. Cho nên không phải ngẫu nhiên các nhà môi trường đưa ra lời cảnh báo thế giới sắp bước vào một cuộc xung đột tranh giành nguồn nước.

HẠNH CHI - THANH HẰNG - ĐỖ VĂN
(Theo Illegal-logging.info, BBC, Global Post)


Bài 2: Thiên nhiên cuồng nộ

UNEP (Chương trình môi trường LHQ) cho rằng, biến đổi khí hậu được xếp vào dạng vấn đề an ninh “phi truyền thống” và được xem như một trong những thách thức lớn nhất đối với môi trường an ninh, phát triển toàn cầu trong cả thế kỷ 21. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, những năm gần đây và đặc biệt trong 10 tháng đầu năm 2010, thế giới đã phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai nặng nề ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân trên toàn cầu. Và chính biến đổi khí hậu khởi nguồn từ tình trạng khai thác cạn kiệt và sử dụng vô lối nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Trái đất.

Trận lụt kinh hoàng ở Pakistan đã nhấn chìm nhiều ngôi làng trong biển nước

Trận lụt kinh hoàng ở Pakistan đã nhấn chìm nhiều ngôi làng trong biển nước

Hạn hán và bão lũ

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ công bố trên tạp chí Sience ngày 19-10, hạn hán sẽ tác động đến phần lớn toàn cầu trong vài thập kỷ nữa nếu các nước không thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo nghiên cứu, phần lớn châu Á, Nam Âu, châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông cũng như các vùng giáp Địa Trung Hải là những khu vực có nguy cơ đối mặt với hạn hán nghiêm trọng trong vòng 30 năm tới. Nhiệt độ bề mặt Trái đất đang nóng dần lên, từ năm 1850 đến nay, nhiệt độ trung bình hàng năm tăng 0,74oC, dự báo có thể tăng thêm 1,1 - 6,4oC vào năm 2100, mức tăng chưa từng có trong lịch sử 1.000 năm qua

Gần đây, do lượng mưa ngày càng thấp, tại Niger, Chad, Lybia, Sudan, toàn bộ mùa màng bị thiêu cháy, gia súc chết la liệt vì không có nước và thức ăn. Hàng trăm ngàn người buộc phải di cư sang các nước khác trong châu lục để xin ăn, tìm việc làm kiếm sống qua ngày. Tại châu Á, tình hình hạn hán đang diễn ra tại Ấn Độ, Pakistan, khiến đất đai nứt nẻ và sông ngòi trơ đáy. Hạn hán nghiêm trọng cũng khiến mực nước sông Mê Công giảm xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm qua, làm đình trệ các hoạt động giao thông trên tuyến đường thủy quan trọng này của châu Á, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của 65 triệu người ở 6 quốc gia dòng sông này chảy qua. Còn tại Nam Mỹ, dòng sông Amazon chảy qua Brazil đã khô hạn mức kỷ lục kể từ khi tiến hành đo đạc (vào năm 1902) chỉ với 13,63m. Các nhà khoa học cho rằng có thể Brazil đang đối mặt với đợt hạn hán nặng nề nhất kể từ năm 1963.

Vào tháng 7 và tháng 8 vừa qua, nhiều quốc gia trải dài từ Âu sang Á đã hứng chịu những đợt nắng nóng cao, gây cháy rừng nghiêm trọng, nhắc nhớ tới đợt nắng nóng ở châu Âu năm 2003, làm thiệt mạng khoảng 35.000 người. Các đợt nắng nóng khủng khiếp đang diễn ra thường xuyên hơn gấp khoảng 4 lần so với năm 2000, và dự đoán trong vòng 40 năm tới, mức độ thường xuyên của chúng sẽ gấp 100 lần so với hiện nay.

Vừa thoát khỏi đợt nắng nóng, châu Á lại bị bão lũ tấn công dồn dập. Mức độ thiệt hại về sinh mạng và vật chất cũng đang ở mức kỷ lục: Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2010, lũ lụt và lở đất ở Trung Quốc đã giết chết hơn 3.000 người và 12 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Trận lụt kinh hoàng nhất, kể từ năm 1929, ở Pakistan do những cơn mưa dữ dội cuối tháng 7 đã nhấn chìm một vùng lãnh thổ rộng lớn, khiến ít nhất 1.600 người thiệt mạng, hơn 2 triệu người mất nhà ở và khoảng 20 triệu người chịu ảnh hưởng. Trước những tác động lớn của thiên tai, các nhà khí hậu học cho rằng hiện tượng xảy ra rất đúng với những gì Nhóm liên Chính phủ các chuyên gia về biến đổi khí hậu của LHQ đã kết luận cách đây 10 năm, họ cho rằng khí hậu Trái đất đã bị xáo trộn bởi khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Mất đa dạng sinh học, dịch bệnh, nước biển dâng

Tại Hội nghị đa dạng sinh học quốc tế diễn ra tại Nhật Bản cuối tháng 10, nhiều nhà khoa học nhận định, toàn thế giới đang thất bại trong nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học trên trái đất, nhiều hệ sinh thái đang bị phá hủy khiến nhiều loại động vật rơi vào nguy cơ tuyệt chủng khi nhiệt độ Trái đất ngày càng cao như hiện nay. Khoảng 50% các loài động thực vật sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2050 nếu nhiệt độ Trái đất tăng thêm từ 1,1 đến 6,4°C nữa. Sự mất mát này chính do mất môi trường sống vì đất bị hoang hóa, nạn phá rừng và do nước biển ấm lên. Hệ sinh thái bị hủy hoại cũng góp phần dẫn tới làn sóng di cư tại nhiều nơi trên thế giới và những bất ổn chính trị, xung đột vũ trang. Vụ xung đột tại Sudan từ 2003 là một ví dụ. Hạn hán nghiêm trọng kéo dài khiến nguồn nước bị thiếu hụt, dẫn đến sự giao tranh giữa các bộ lạc tại Sudan khiến 300.000 người thiệt mạng và 1,5 triệu người buộc phải rời bỏ đất nước.

Một trong những vấn đề đang làm đau đầu nhiều quốc gia có đường bờ biển dài là sự cảnh báo về mực nước biển dâng đang xuất hiện ngày càng nhiều. Các nhà khoa học ở Đại học Colorado, Mỹ, vừa công bố công trình nghiên cứu cho thấy sự ấm lên của một vùng nước biển rộng lớn trải dài từ bờ biển phía Đông của Tây Phi tới Thái Bình Dương đóng vai trò chính khiến nước biển dâng lên, vì nó làm tan băng ở các vùng cực. Trong đó, châu Á - Thái Bình Dương dễ bị tổn thương nhất trong biến đổi khí hậu. Theo ước tính, nếu băng tiếp tục tan, nước biển sẽ dâng thêm ít nhất 6m nữa vào năm 2100. Với mức này, phần lớn các đảo của Indonesia, và nhiều thành phố ven biển khác sẽ biến mất hoàn toàn.

Nhiệt độ tăng cùng với lũ lụt, hạn hán, động đất đã tạo điều kiện thuận lợi cho các con vật truyền nhiễm như muỗi, ve, chuột… sinh sôi nảy nở, truyền bệnh gây nguy hại đến sức khỏe con người. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra báo cáo rằng các dịch bệnh nguy hiểm đang lan tràn ở nhiều nơi trên thế giới hơn bao giờ hết. Những vùng trước kia có khí hậu lạnh, giờ đây cũng xuất hiện các loại bệnh nhiệt đới. Hàng năm có khoảng 200.000 người chết do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu, từ bệnh tim do nhiệt độ tăng quá cao, đến các vấn đề hô hấp và tiêu chảy khi điều kiện sinh hoạt kém do thiên tai. Dự kiến, con số này tiếp tục tăng sau năm 2010.

Thiệt hại kinh tế

Các thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra cũng ngày càng tăng theo nhiệt độ trái đất. Các cơn bão lớn làm mùa màng thất bát, tiêu phí nhiều tỷ USD, ngoài ra, để khống chế dịch bệnh phát tán sau mỗi cơn bão lũ cũng cần một số tiền khổng lồ. Theo thống kê của tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong năm 2009, 6/10 quốc gia có số thương vong và thiệt hại GDP nhiều nhất là ở châu Á. Các tổn thất về kinh tế ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống ở các quốc gia này. Người dân phải chịu cảnh giá cả thực phẩm và nhiên liệu leo thang, các chính phủ đối mặt với việc lợi nhuận từ các ngành du lịch và công nghiệp giảm sút đáng kể, nhu cầu thực phẩm và nước sạch của người dân sau mỗi đợt bão lũ rất cấp thiết, chi phí khổng lồ để dọn dẹp đống đổ nát sau bão lũ cũng tăng theo cấp số nhân.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo, mức thiệt hại trung bình do biến đổi khí hậu gây ra đối với 5 nước gồm Indonesia, Philippines, Bangladesh, Thái Lan và Việt Nam, có thể tương đương 6,7% tổng giá trị GDP hằng năm của các nước này vào năm 2100, tức gấp đôi mức thiệt hại trung bình trên thế giới. Về tổn thất kinh tế, báo cáo dự đoán, thiệt hại của biến đổi khí hậu sẽ tăng từ 125 tỷ USD trong giai đoạn hiện nay, lên khoảng 300 tỷ USD trong vòng hai thập kỷ tới.

HẠNH CHI - THANH HẰNG - ĐỖ VĂN (Theo Illegal-logging.info, BBC, Global Post)


Bài 3: Kỷ nguyên tìm kiếm năng lượng thay thế

Thế giới đang điên đảo với bài toán cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Làm thế nào để vừa có nguồn năng lượng phục vụ cho nền sản xuất mà không làm cạn kiện nguồn nhiên liệu hóa thạch? Thế kỷ 21 chắc chắn là thế kỷ của sự tìm tòi, khám phá những nguồn năng lượng thay thế, những vật liệu xanh mới để “bầu sữa” tài nguyên Mẹ Trái đất không bị tận diệt.

Mặt trời nhân tạo

Bên cạnh năng lượng Mặt trời, năng lượng gió, các nhà khoa học đang nghiên cứu năng lượng sinh ra từ phản ứng nhiệt hạch vì đây được xem như nguồn năng lượng vô hạn trong tương lai và các nhà khoa học gọi dự án này là “Mặt trời nhân tạo”. Hydro sử dụng trong phản ứng nhiệt hạch có thể lấy được ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Chỉ 1g hydro có thể tạo ra năng lượng tương đương với hàng ngàn lít dầu. Ngoài Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc gần đây cũng thành công trong phản ứng tổng hợp hạt nhân hydro nặng. Công trình nghiên cứu thiết bị phản ứng tổng hợp hạt nhân siêu dẫn thế hệ mới của Hàn Quốc được viết tắt KSTAR.

Toàn cảnh lò phản ứng KSTAR của Hàn Quốc.

Toàn cảnh lò phản ứng KSTAR của Hàn Quốc.

Cứ mỗi giây, Mặt trời lại tạo ra một nguồn năng lượng cực lớn nhờ phản ứng nhiệt hạch xảy ra liên tục. Nhưng hành tinh Trái đất lại không tồn tại môi trường có nhiệt độ và áp suất cao như vậy, vì thế đòi hỏi phải tạo ra một môi trường nhân tạo mô phỏng theo Mặt Trời. Để thực hiện được điều đó, Hàn Quốc đã xây dựng một lò KSTAR vào tháng 7 - 2008 và đã thành công trong việc tạo ra thể plasma - một trạng thái tồn tại khác của vật chất sau thể rắn, lỏng, khí. Đến nay, KSTAR đã tạo ra được loại plasma nóng đến 2 triệu độ C và duy trì được phản ứng nhiệt hạch trong vài giây. Đặc biệt, các neutron tìm thấy trong phản ứng nhiệt hạch gần đây nhất được xem như một bước ngoặt lớn trên con đường nghiên cứu tạo ra Mặt trời nhân tạo.

Một kế hoạch gồm 4 giai đoạn đến năm 2025 đã được vạch ra. Giai đoạn đầu hoàn thành vào năm 2012, sẽ đạt đến những tính năng cơ bản. Tới năm 2017, dự kiến tăng thời gian hoạt động của phản ứng nhiệt hạch lên 300 giây và thực hiện các nghiên cứu bước đầu cho Dự án lò phản ứng thí nghiệm nhiệt hạch quốc tế (ITER). Giai đoạn 3 sẽ tiếp tục tới năm 2022. Khi đó, các nhà khoa học sẽ lên kế hoạch hoàn thành các nghiên cứu về thể plasma hiệu suất lớn. Trong giai đoạn cuối, họ sẽ bắt tay vào thực hiện các nghiên cứu thực nghiệm về công trình phát triển năng lượng tổng hợp hạt nhân. Kế hoạch 4 giai đoạn của Hàn Quốc đi từ cơ bản đến mục tiêu tạo ra một thể plasma nóng tới 3 triệu độ C và thời gian hoạt động lên tới 300 giây để đưa vào thương mại hóa trên thị trường.

Tất nhiên, Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều thử thách trước khi đưa năng lượng nhiệt hạch vào sử dụng trong thực tế. Nhưng các nhà khoa học Hàn Quốc đang nỗ lực không ngừng để có những bước tiến quan trọng trong công trình nghiên cứu đầy ý nghĩa này nhằm tạo ra nguồn năng lượng xanh mới cho tương lai, góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường trên toàn cầu.

Đại dương, nguồn điện năng khổng lồ

Nhân loại hiện cũng hướng đến đại dương như một nguồn năng lượng mới. Các nhà khoa học trên thế giới đang nỗ lực tìm kiếm nhiều cách để khai thác nguồn tài nguyên tự nhiên. Họ nhận thấy đại dương có thể trở thành phương tiện giúp phát triển nền kinh tế thân thiện môi trường hay nền kinh tế “xanh”.

Theo Ủy ban Năng lượng quốc tế (IEA), năng lượng tiềm năng của đại dương vào khoảng 93.000 TWh/năm, gấp 5 lần điện năng toàn cầu/năm (17.000 TWh). Con số này thấp hơn so với năng lượng Mặt trời nhưng có thể cung cấp đủ năng lượng loài người cần để tồn tại. Năng lượng biển vô tận và được xem nguồn năng lượng thân thiện với môi trường khi ít thải ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các nhà máy năng lượng Mặt trời cần khoảng không gian rộng lớn để sản xuất năng lượng. Các nhà máy phong năng với tiếng ồn lớn và xây dựng tại những khu vực biệt lập như vùng núi non. Trong khi đó, đại dương lại không có sự hiện diện của con người và không bị những hạn chế về môi trường.

Khi các máy phát được lắp đặt tại nơi có sóng to, có thể sản xuất được điện bằng việc tận dụng năng lượng gắn liền với chuyển động lên, xuống của con sóng. Biển sẽ cung cấp một nguồn năng lượng vô tận. Nhà máy năng lượng thủy triều đầu tiên được xây dựng từ năm 1966, nhưng đến nay nguồn năng lượng này chưa được phổ biến vì nhiều lý do: giá thành cao, phải có những thiết bị đặc biệt để đưa điện được sản xuất tại biển về đất liền và phải giải quyết nhiều vấn đề về địa-sinh học để có thể sử dụng được nguồn năng lượng thay thế này.

Những vật liệu thân thiện môi trường

Bên cạnh việc tìm kiếm các nguồn năng lượng xanh, các nhà khoa học cũng đang dốc sức nghiên cứu những vật liệu tổng hợp dùng trong cuộc sống hàng ngày. Tháng 9 vừa qua, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bath, Anh, thông báo họ đã xây dựng thành công một ngôi nhà làm từ cây gai dầu và vôi. Ngoài việc sử dụng để làm giấy, quần áo và thân xe hơi, cây gai dầu cũng có thể dùng làm vật liệu xây nhà thân thiện với môi trường trong tương lai. Ngôi nhà xanh trên có tên HemPod. Ngôi nhà một tầng này gồm nhiều bức tường được làm từ lõi gỗ cắt nhỏ từ cây gai dầu công nghiệp trộn với một chất kết dính vôi đặc biệt.

Tiến sĩ Mike Lawrence, thuộc Trường Đại học Bath, cho biết: “Các bức tường hoạt động như một hệ thống điều hòa không khí thụ động, độ ẩm bên trong được giữ ổn định và chất lượng không khí trong ngôi nhà rất tốt. Do cấu trúc vượt trội của lõi gỗ dầu gai kết hợp với đặc tính của các chất vôi kết dính, các bức tường này cũng có tính chịu nhiệt và chống cháy cao”. HemPod sẽ được giám sát chặt chẽ trong 18 tháng để xem xét tính bền vững của loại vật liệu xây dựng tương lai này. Cây gai dầu phát triển rất nhanh, dễ trồng và hầu như tất cả bộ phận của loại cây này đều sử dụng được. Còn vôi sống đã được sử dụng trong ngành xây dựng ở thiên niên kỷ này. Sự kết hợp của 2 loại nguyên liệu là một bước phát triển quan trọng trong nỗ lực tạo vật liệu xây dựng bền vững hơn.

Công nghệ sử dụng sợi dừa thay thế sợi polyester tổng hợp trong vật liệu composite dùng để sản xuất ván sàn, cửa ô tô... cũng được nghiên cứu trong thời gian gần đây. Một nhóm các nhà nghiên cứu Trường ĐH Baylor, Mỹ đang phát triển dự án này. Nhóm nghiên cứu cho biết, các đặc tính cơ học của sợi dừa tốt hơn cả sợi polyester và sợi nhân tạo khi dùng để sản xuất các chi tiết ô tô. Sợi dừa có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với sợi tổng hợp và thân thiện với môi trường, nếu không tận dụng, sơ dừa sẽ bị vứt bỏ. Rồi các loại túi thân thiện môi trường thay túi nylon, vải quần áo được sản xuất từ sợi bông nhân tạo..., tất cả đã và đang được nghiên cứu, ứng dụng vào thực tế cuộc sống.

Tuy nhiên, ý thức con người trong việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên mới thực sự quan trọng nhất. Trong khi các nhà nghiên cứu đang vất vả tìm cách cứu Trái đất thì nhiều nước vẫn vô tư bóc lột tài nguyên không thương tiếc, tàn phá môi trường. Điều này được thấy rõ qua sự bế tắc của vòng đàm phán mới nhất về biến đổi khí hậu của LHQ tại Thiên Tân, Trung Quốc hồi đầu tháng 10 vừa qua. Cuộc tranh cãi giữa Trung Quốc và Mỹ, hai quốc gia thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, về trách nhiệm trước sự nóng lên toàn cầu vẫn chưa có hồi kết. Các quốc gia vẫn chưa thể thống nhất một cam kết chung, để cùng nhau chia sẻ trách nhiệm cắt giảm khí thải gây ô nhiễm, chủ yếu bằng việc giảm bớt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

HẠNH CHI - THANH HẰNG - ĐỖ VĂN
(Theo Illegal-logging.info, BBC, Global Post)

Tin cùng chuyên mục