Khi tiền nặng hơn chữ hiếu

Cụ N.T.P. (84 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) không đến dự phiên tòa phúc thẩm do mình làm nguyên đơn, mà ủy quyền cho một người khác. Oái oăm thay, cụ khởi kiện chính con gái của mình. 
Người nhận ủy quyền (một người con gái khác của cụ) cho hay nguyên nhân mẹ mình vắng mặt là vì tuổi cao sức yếu và quan trọng hơn, vì cụ không muốn nhìn cảnh đau lòng. 
Cụ P. đâm đơn yêu cầu tòa án hủy hợp đồng tặng cho căn nhà giữa vợ chồng cụ với người con gái lớn tên N.T.C. Vợ chồng cụ P. có 5 người con (2 trai, 3 gái). Khi cơ quan chức năng xác định cụ ông mất năng lực hành vi dân sự, con gái lớn N.T.C. nói rằng cha mẹ cần chuyển quyền sở hữu cho người khác, nếu không Nhà nước sẽ thu hồi căn nhà.
Tin tưởng con, năm 2015, vợ chồng cụ làm hợp đồng tặng cho căn nhà cho bà C. Mọi thủ tục đều do bà C. sắp đặt. Một thời gian sau, hai cụ phát hiện con gái không trung thực nên muốn đòi lại tài sản. Tuy nhiên, bà C. nhất định không trả căn nhà, lý giải rằng lúc làm thủ tục tặng cho, cha mẹ bà hoàn toàn minh mẫn, tự nguyện.
Hơn nữa, trong gia đình chỉ có bà chăm lo, phụng dưỡng song thân; hai cụ hiểu bà không có ý tranh giành tài sản nên tặng căn nhà trên nhằm bù vào những khoản chi phí bà bỏ ra tu sửa, gia cố nhà, chăm sóc cha mẹ. Chính vì thế, bà C. không chấp nhận thực hiện mong muốn lấy lại căn nhà của cha mẹ mình. 
Tại phiên xử phúc thẩm, người con gái được ủy quyền đến dự tòa và bà C. không ngừng chỉ trích lẫn nhau. Bà C. đề nghị HĐXX kiểm chứng ý chí cụ P. để đánh giá việc tặng cho xuất phát từ sự tự nguyện, không ai ép buộc hay bị lừa gạt.
Bị đơn một mực khẳng định mình chỉ quản lý sử dụng chứ không hề chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó, đại diện nguyên đơn trình bày những lần xử trước, cha mẹ dù già yếu nhưng lặn lội đường xa, từ thành phố Bình Dương lên quận 3, giải quyết vụ việc.
Song, bà C. cố tình vắng mặt. Do đó, việc bà C. đề nghị cha mẹ phải có mặt tại phiên tòa phúc thẩm hoàn toàn không có cơ sở. Cứ thế, hai chị em ruột thịt liên tục khích bác, nói xấu lẫn nhau. 
Không khí căng thẳng. Cuộc đấu lý mỗi lúc một dữ dội. Thấy vậy, chủ tọa  phiên tòa cố gắng hòa giải: “Hai bên nên nghĩ đến cha mẹ mà bỏ qua hiềm khích. Việc cần làm là giải quyết vụ việc một cách hợp lý, chứ không phải đem chuyện xấu trong nhà ra nói”. 
Dường như, lời vị chủ tọa chưa thể “thấm”. Nguyên đơn và bị đơn nhất quyết không dừng cuộc cãi vã. Diễn biến đi quá xa, buộc chủ tọa dùng lời lẽ cứng rắn hơn.
Bà nói: “Các anh chị không thiếu tiền, không nghèo khó. Hơn nữa, cha mẹ cực khổ nuôi nấng, giúp các anh chị ra nước ngoài, ăn học thành tài. Vậy, các anh chị cần gì đối xử gay gắt với nhau như thế. Những gì thuộc về cha mẹ hãy trả về cho các cụ”.
Khi đọc hồ sơ vụ việc, bà rất đau lòng vì những người liên quan cùng lớn lên trong một gia đình và người mẹ ở tuổi gần đất xa trời vẫn phải chịu cảnh gia đình xào xáo. 
Sau những lời này, hai chị em tuy không nói thêm lời cãi vã nào nhưng vẫn giữ nguyên các yêu cầu. Đại diện nguyên đơn mong tòa phúc thẩm hủy hợp đồng tặng cho như án sơ thẩm tuyên trước đó.
Ngược lại, bị đơn đề nghị tòa hủy bản án sơ thẩm, tạo điều kiện để gia đình giải quyết nội bộ.
HĐXX nhận định vợ chồng cụ P. và bà C. đều có ý chí giữ giùm tài sản chứ không tự nguyện tặng cho.
Do thiếu hiểu biết pháp luật và tin tưởng con gái nên vợ chồng cụ P. mới chấp thuận làm hợp đồng tặng cho căn nhà. Ngoài ra, nhiều tài liệu, giấy tờ trong hồ sơ chứng minh bà C. có sự tính toán, chuẩn bị, trước khi thuyết phục cha mẹ tiến hành chuyển quyền sở hữu. Vì những lẽ trên, HĐXX tuyên y án sơ thẩm, yêu cầu bà C. hoàn trả quyền sở hữu căn nhà cho cha mẹ của mình. 
Bản án tuyên thấu tình đạt lý, xử lý dứt điểm vụ việc về mặt pháp lý. Dù vậy, vấn đề tranh chấp trong gia đình cụ P. chưa thể kết thúc, những thành viên ruột thịt sẽ cần thêm khoảng thời gian rất dài để có thể thấu hiểu, thông cảm lẫn nhau.

Tin cùng chuyên mục