Lãnh đạo UBND TPHCM vừa thông qua hai kết luận thanh tra toàn diện về hoạt động kinh doanh xây lắp của Công ty TNHH Một thành viên Cảng sông thành phố và Công ty TNHH Trường Đào tạo và Dạy nghề Việt Thái. Tại cả hai doanh nghiệp, tiền của Nhà nước đều bị sử dụng không đúng mục đích trong một thời gian dài.
Sai phạm về tài chính, kế toán
Công ty TNHH Một thành viên Cảng sông thành phố (tiền thân là Cảng Bình Đông) là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn. Hoạt động kinh doanh xây lắp của công ty chủ yếu từ các công trình do các xí nghiệp trực thuộc tự tìm kiếm, thương lượng, khai thác.
Lợi dụng việc công ty tạm ứng tiền vốn thực hiện công trình và ban lãnh đạo công ty gần như chỉ thực hiện việc hợp thức hóa cho các xí nghiệp về mặt danh nghĩa trước pháp luật, một số lãnh đạo xí nghiệp trực thuộc đã chiếm dụng vốn của công ty để sử dụng vào mục đích khác.
Cụ thể, sau khi thực hiện nhiều công trình, công nợ đối với công ty “mẹ” của Xí nghiệp xây lắp công trình số 1 lên đến hơn 5,1 tỷ đồng, của Xí nghiệp xây lắp công trình số 2 là hơn 200 triệu đồng. Chưa kể, Xí nghiệp xây lắp công trình số 1 còn chiếm đoạt gần 4,6 tỷ đồng của các nhà cung cấp vật tư khiến công ty bị kiện, đến nay vẫn chưa giải quyết xong hậu quả.
Tại Công ty TNHH Trường đào tạo và dạy nghề Việt Thái (phường Phước Long A quận 9), việc sử dụng tiền của Nhà nước sai mục đích thể hiện dưới hình thức khác. Năm 2004, bằng Dự án xây dựng Trường đào tạo và dạy nghề Việt Thái, công ty xin đăng ký vay vốn ưu đãi thuộc chương trình kích cầu thông qua đầu tư của TP và được ngân sách hỗ trợ lãi vay 15 tỷ đồng (cho phần xây lắp và thiết bị) với thời gian hỗ trợ 7 năm, mức hỗ trợ là toàn bộ lãi vay. Căn cứ theo lãi suất huy động tiết kiệm của ngân hàng, công ty được nhận gần 2,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ khi nhận vốn vay kích cầu cho đến thời điểm bị thanh tra, công ty chưa mở được lớp dạy nghề nào mà chỉ cho Trường Cao đẳng Viễn Đông khai thác 2.000m² diện tích sử dụng và khuôn viên cho công tác đào tạo của trường, công ty nhận 25% trên tổng doanh thu các hoạt động đào tạo tại địa điểm trên.
Từ tháng 10-2008 đến tháng 3-2009, Trường Cao đẳng Viễn Đông thanh toán cho Công ty Việt Thái hơn 720 triệu đồng. Đây là khoản tiền cho thuê mặt bằng, thế nhưng Công ty Việt Thái lại xuất hóa đơn GTGT, ghi ở mục hàng hóa, dịch vụ lại là phí liên kết đào tạo để không phải nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Buông lỏng kiểm tra, quản lý
Để xảy ra những sai phạm trên trong một thời gian dài, không thể không nhắc đến sự buông lỏng trong quản lý từ chính đơn vị và các cơ quan chức năng. Nếu ban lãnh đạo Công ty Cảng sông thành phố không khoán trắng mọi việc cho các xí nghiệp xây lắp công trình trực thuộc, đồng thời theo dõi chặt chẽ khoản công nợ của các xí nghiệp này thì sẽ không bị chiếm dụng vốn trong nhiều năm. Khi các khoản công nợ khổng lồ khiến Công ty Cảng sông thành phố lâm vào tình trạng thiếu hụt vốn trầm trọng, gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ban lãnh đạo công ty giật mình nhìn lại thì không kịp.
Việc quản lý, kiểm tra tại Công ty Việt Thái cũng bị buông lỏng không ngờ. Sau khi công ty nhận vốn vay kích cầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chưa từng yêu cầu công ty báo cáo về tình hình thực hiện dự án, tình hình giải ngân và sử dụng vốn vay. Trong khi đó, tổng chi phí xây lắp và trang thiết bị trong Dự án xây dựng Trường Đào tạo và dạy nghề Việt Thái đến thời điểm thanh tra chỉ gần 7,4 tỷ đồng. Nếu được phát hiện sớm, số vốn vay kích cầu công ty được nhận chỉ gần 1,3 tỷ đồng.
Và như vậy, gần 1,3 tỷ đồng của Nhà nước đã không bị chi sai chỗ. Chưa hết, vào năm 2009, khi Công ty Việt Thái xin được vay vốn ưu đãi giai đoạn 2, trong văn bản số 4702/SKHĐT-VX ngày 10-8-2009, Sở Kế hoạch và Đầu tư lại khẳng định sai thực tế: “Đến nay trường đã xây xong giai đoạn 1 và đi vào hoạt động”(?!). Tuy nhiên, UBND TP chưa quyết định cho vay kích cầu giai đoạn 2 đối với dự án này, nếu không thì sẽ có thêm tiền tỷ của Nhà nước bị trao nhầm chỗ.
ÁI CHÂN