Khác với những ngày đầu hớn hở khi đến trường, cả tuần qua bé An mặt mũi rầu rĩ. Chị Hòa gặng hỏi mãi bé An mới kể rằng, đến lớp bị các bạn chế nhạo là… giống con gái. Nhiều bạn còn lén gắn cả nơ lên tóc bé trong giờ học.
Không chỉ bé An, hầu như đứa trẻ nào cũng bị chế nhạo ít nhất một lần trong đời. Cách tốt nhất cha mẹ có thể làm là dạy cho trẻ cách tích cực nhằm đối phó qua các hành động sau:
Thu thập thông tin: Đầu tiên, cha mẹ nên cố gắng thu thập các thông tin liên quan đến việc trẻ bị chế nhạo. Trực tiếp trò chuyện cùng con để biết trẻ bị chế nhạo về chuyện gì, ai chế nhạo, chuyện xảy ra ở đâu, trẻ phản ứng ra sao và chuyện gì đã xảy ra.
Dạy trẻ tập phớt lờ: Nhiều kẻ có thói chế nhạo người khác lại tỏ ra mau chán và từ bỏ chuyện gây rối khi chúng không còn “khán giả”. Cha mẹ có thể dạy con mình cách phớt lờ việc bị chế nhạo bằng cách quay lưng bỏ đi, không thèm buông một lời nào với kẻ chế nhạo mình và dặn con rằng, có thể lúc đầu kẻ chế nhạo sẽ dùng những lời lẽ nặng nề khiến trẻ mất kiềm chế và phản ứng lại một cách tiêu cực. Quan trọng là trẻ phải giữ bình tĩnh. Chẳng bao lâu, những kẻ chế nhạo sẽ bỏ cuộc.
Dạy trẻ “phản ứng nhanh”: Đôi lúc một câu phản ứng nhanh sẽ bất ngờ hạ gục kẻ chế nhạo, làm chúng mất phương hướng. Ví dụ, trẻ có thể nói: “Tôi biết anh đang cố chế nhạo tôi, nhưng điều đó sẽ chẳng có kết quả gì đâu”.
Tập thực hành: Cha mẹ nên thực hành cùng với trẻ các tình huống phản ứng. Trong vai kẻ chế nhạo, cha mẹ có thể giả bộ nói ra những lời hoặc có những hành động tương tự kẻ chế nhạo và trẻ sẽ tập cách phản ứng lại lời chế nhạo ấy ra sao.
Thể hiện tình yêu thương đối với trẻ và luôn khuyến khích chúng: Khi trẻ nghĩ ra được phương pháp nào đó có hiệu quả, cha mẹ nên ủng hộ những nỗ lực của con và động viên khi trẻ cố gắng tìm cách giải quyết các tình huống bị chế nhạo.
Nếu trẻ bị chế nhạo ở trường lớp, hãy nói chuyện với thầy cô và hãy phối hợp với họ để cùng giải quyết.
Hoài Thu