
1. Alfred Riedl đã ra đi. Dù ông ra đi trong tư thế nào thì sau gần mười năm dẫn dắt đội tuyển, ông đã trở thành một phần của lịch sử bóng đá Việt Nam. Và khi đã nói tới từ “lịch sử”, có nghĩa là mọi thứ đã lui vào quá khứ. Chắc chắn, trút mọi trách nhiệm về sự thất bại nhục nhã của đội tuyển U23 Việt Nam tại SEA Games lần này lên vai một người duy nhất là điều đơn giản nhất và dễ dàng nhất - đặc biệt khi Riedl đã thuộc về quá khứ trong thời gian.

Một đội tuyển bạc nhược: kết quả của một cuộc “hôn nhân” sai lầm!
Mọi tội lỗi thuộc về Riedl - một người Áo? Còn những người Việt Nam, đặc biệt những người đang ngồi trên những chiếc ghế cao chót vót ở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) là những kẻ vô can? Họ đã làm gì trong thời gian qua, những người nắm vận mệnh của bóng đá Việt Nam đó?
Ông Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói: “Lần này chúng ta phải đoạt huy chương vàng! Bây giờ không lên ngôi thì còn bao giờ?”. Ông Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn cao giọng theo: “Lần này chúng ta có mọi thuận lợi để vô địch SEA Games”. Hai ông nói đúng. Vô địch SEA Games, cái ngôi vị thấp lè tè đó trong nấc thang bóng đá thế giới mà không giành được sau chừng ấy năm, sau chừng ấy tiền của đổ vào thì làm bóng đá mà làm gì. Phải khí khái như thế! Phải đầy tham vọng như thế! Và người viết bài này rất mừng, rất phấn khởi, rất tự hào. Là bởi vì đây không phải là tuyên bố của người hâm mộ bình thường. Người hâm mộ xưa nay chỉ biết mong mỏi, chỉ biết ước mơ, chỉ biết kỳ vọng, đại khái tiếng nói con tim không có cơ sở nào cả. Nhưng đây là phát biểu đầy trách nhiệm của hai nhân vật đầy trách nhiệm. Hai vị chóp bu khi đã phát biểu hùng hồn trước bàn dân thiên hạ như vậy chắc không phải là “lấy le”, mà phải có cơ sở khoa học, phải nắm được thực lực của đội tuyển, cũng như của đối phương.
2. Hóa ra ông Hỷ và ông Tuấn cũng ngây ngô như ông xích lô hay bà bán rau mê bóng đá. Hai ông không nắm được thực lực của đối phương, và tệ hơn, không nắm được tình hình đội nhà. Làm sao mà những vị lèo lái con thuyền bóng đá nước nhà lại không biết được con thuyền đó đang mục ruỗng và thủng lỗ chỗ nhỉ, khi mà giới truyền thông đều biết và nói vanh vách trước khi SEA Games diễn ra? Ông tổng thư ký qua Thái Lan chỉ để mặc quần đùi vào sân vờn bóng để báo chí chụp hình thôi sao? Điều người hâm mộ chờ đợi ở ông là một chiến lược đúng đắn và hiệu quả để đưa bóng đá nước nhà đi lên. Người ta muốn ông cứ ngồi ở văn phòng máy lạnh mà vắt chất xám ra đầu tư cho kế hoạch phát triển bóng đá chứ đâu có muốn nhìn thấy ông chạy lơn tơn trên sân. Cũng như người nông dân cần một ông bộ trưởng nông nghiệp tài ba, biết đề ra những chính sách đúng đắn để phát triển nông thôn chứ đâu có cần một ông bộ trưởng xắn quần lội xuống ruộng cho ra vẻ “bình dân”. Đây chỉ là chuyện tiểu tiết nhưng đôi khi chỉ quan sát một giọt nước người ta vẫn có thể hiểu được một đại dương. Bóng đá Việt Nam có gì trong đại dương của mình?
3. Alfred Riedl nắm các đội tuyển Việt Nam lần này không phải là lần đầu. Ông đã dẫn dắt tuyển Việt Nam ở Tiger Cup 1998 và ra đi sau thất bại năm 2001. Năm 2003 Liên đoàn lại mời ông quay lại tham gia chiến dịch SEA Games 22, rồi ngưng hợp đồng, rồi 2005 lại mời ông. Để bây giờ lại vận động ông từ chức. Nếu Riedl thực sự tài năng, là người đáp ứng được mong mỏi nâng tầm cho bóng đá Việt Nam, ông đã không “lên voi xuống chó” như vậy. Vậy tại sao VFF cứ phải vời một người mà mình hơn một lần hất hủi vào chiếc ghế HLV trưởng tuyển Việt Nam để bây giờ nhận lấy đắng cay? “Chuyện tình” VFF và Riedl rất giống một cặp tình nhân chia tay rồi nối lại, nối lại rồi chia tay, dùng dặc dùng dằng hoài như vậy. Cái cặp tình nhân nóng lạnh bất thường đó có cưới nhau cũng sẽ kéo nhau ra tòa ly dị ngay thôi. Và họ cũng mới ly dị nhau đó thôi! Cái cách VFF vận động Riedl ký đơn từ chức mới giống làm sao cái hình ảnh người chồng vận động người vợ ký đơn thuận tình ly hôn. Và bây giờ thì đội tuyển Việt Nam đã rất giống một đứa con rơi!
4. Trong lãnh vực tình cảm, trước khi quyết định gắn bó đời mình với một người nào đó, giai đoạn then chốt nhất là “tìm hiểu”. Trong bóng đá, nguyên tắc đó cũng không khác. Mà VFF cũng có lắm “người đẹp” để chọn trong hàng đống hồ sơ “xin kết hôn” của mình. Nhưng năm lần bảy lượt, VFF vẫn chấm “người vợ cũ” Riedl. Thế mới lạ! HLV Calisto chưa biết có đủ sức nâng cấp tuyển Việt Nam hay không, nhưng ít ra mọi người đều thấy “hoa hậu người Bồ” này có những ưu điểm mà “hoa hậu người Áo” Riedl không có. Đó là rất giỏi truyền lửa cho học trò, có khả năng đọc trận đấu và điều chỉnh chiến thuật rất tốt, giỏi phát hiện nhân tài và biết cách mài giũa họ... những ưu điểm rất cần cho bóng đá Việt Nam. Nhưng khổ nỗi cái bóng đá Việt Nam cần thì các vị lãnh đạo bóng đá Việt Nam không cần. Các vị “kén vợ” theo tiêu chuẩn của mình: hiền lành, ngoan ngoãn, dễ bảo...
Một người chồng không cá tính quyết chọn một người vợ không cá tính tất yếu phải đẻ ra những đứa con không cá tính. Người hâm mộ ơi, buồn làm chi!
Chu Đình Ngạn