
Đầu năm 2002, UBND thị xã Hội An đồng ý cho gia đình họ Diệp ở số nhà 82 Nguyễn Thái Học mở cửa đón khách du lịch. Ngôi nhà cổ này có một kho báu với hàng ngàn cổ vật quý hiếm, nhiều món có hàng nghìn năm tuổi, được lưu giữ cẩn thận, công phu. Chủ nhân là người đàn ông độc thân-hậu duệ đời thứ năm của dòng họ Diệp. Đây được xem như bảo tàng tư nhân đầu tiên ở miền Trung.
- Báu vật đa sắc màu

Gốm Chu Đậu thế kỷ 15, trong kho cổ vật họ Diệp.
Toàn bộ tầng trệt ngôi nhà dành để trưng bày các loại bình, lọ gốm và chén bát sứ đời nhà Minh, nhà Thanh (TQ), nhà Nguyễn với hai dãy tủ gỗ cao tận trần nhà, chật kín. Trên căn gác là những chiếc độc bình cổ cao gần 1m, chóe đựng rượu, đĩa men lớn với đường kính cỡ 50cm... Chưa hết, đồ cổ còn chất đầy trong những chiếc tủ.
Đó là những cổ vật của nhiều nền văn hóa khác nhau mà tổ tiên và chính ông Diệp Gia Sùng đã dày công sưu tầm và cất giữ cẩn thận suốt ba thế kỷ qua. Chưa bao giờ tôi chứng kiến trong cùng một ngôi nhà nhỏ lại có nhiều cổ vật đa dạng và phong phú đến như vậy, từ những món cổ vật trước Công nguyên đến bàn trang điểm của Nam Phương hoàng hậu chứng tỏ kho báu này dày về văn hóa, sâu về thời gian, rộng về lịch sử như thế nào.

Ông Diệp Gia Sùng với một phần kho cổ vật của mình.
Kho báu ấy, ngoài những “món” cổ vật bằng gốm, sứ sản xuất từ các đời Đường, Tống, Minh, Thanh ở Trung Quốc, các vật dụng bằng đất nung có từ thế kỷ 1 trước Công nguyên tìm thấy ở các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, những chiếc dao bằng đồng của thời kỳ đồ đồng, còn có những chiếc gương soi mặt bằng đồng và một triện có khắc thân con lân, chân con vịt của vương triều Chămpa.
Ông Sùng cho biết, chiếc triện đồng ấy đã có người ngã giá cả chục lượng vàng nhưng nguyên tắc của ông là không bán bất cứ thứ gì đã sưu tầm được. Ngoài ra, trong kho báu này còn có bức bình phong dát vàng, được Bảo tàng New York ngã giá hai tỷ đồng nhưng ông cũng không vì thế mà cho chúng xuất ngoại. Chiếc bình phong này được ông tổ của ông là Diệp Ngộ Xuân đưa từ Trung Quốc sang, theo lời ông thì nó thuộc đời nhà Thanh, đã hơn hai trăm năm tuổi. Kho báu này còn có bộ trang sức bằng ngọc, những chiếc khuyên tai, vòng tay, dây chuyền làm bằng mã não được tìm thấy ở những ngôi mộ Chămpa cổ nằm rải rác trên vùng cát Cẩm Hà.
Kho báu vật này, theo ông Diệp Gia Sùng: “Là của gia bảo từ đời ông tổ Diệp Ngộ Xuân để lại, con cháu dòng họ Diệp vốn mang trong mình dòng máu thích sưu tầm đồ cổ nên các bảo vật gia truyền luôn được bổ sung với nhiều đồ vật quý hiếm từ nhiều triều đại khác nhau”. Đến thời ông Sùng, kho tàng cổ vật ấy càng giàu thêm bởi ông mê sưu tầm và chơi đồ cổ từ thuở nhỏ. Ông bây giờ như cuốn bách khoa sống về đồ cổ, có thể kể vanh vách số phận từng món, vanh vách triết lý từng cổ vật như thể ông sinh ra là dành hết tâm lực cho cổ vật vậy. Ông nói: “Chơi đồ cổ nhiều khi may hơn khôn.Tôi không phải mất công tìm kiếm đâu xa, chỉ ở ngay Hội An thôi nếu chịu khó tìm kiếm sẽ không thiếu bất cứ loại cổ vật nào. Cảng thị Hội An xưa là nơi giao lưu buôn bán sầm uất của nhiều quốc gia nên có nhiều món cổ của nhiều vương triều, quốc gia”.

Bình phong dát vàng, được Bảo tàng New York trả tiền tỷ nhưng ông Diệp Gia Sùng không bán.
Tủ sách cổ của ông có các ấn phẩm của triều Nguyễn, các tấm chiếu, biểu còn nguyên dấu triện đỏ dù đã được viết cách đây hàng thế kỷ.
- Chạm tay vào cổ vật
Có lẽ, tôi và nhiều người khác chưa bao giờ được sờ tay vào hiện vật khi tham quan các bảo tàng cổ vật trên thế giới và Việt Nam. Thế nhưng với kho báu của ông Diệp Gia Sùng thì du khách được chạm tay vào những món đồ cổ có từ hàng ngàn năm. Tôi vẫn còn cảm giác lâng lâng khi được ông cho phép cầm nắm, ngắm nghía bất cứ món nào, ngay cả chiếc triện hình con lân của vương triều Chămpa.
Ông bảo: “Chơi đồ cổ mà giấu khư khư thì hỏng cả tâm tình, hỏng cả khí tiết, hư hồn hại tánh. Phải cho cổ vật chạm vào nhân gian mới thấy được tình thế cổ vật hay như thế nào. Một món cổ, ngoài sự cầm ngắm của giới chơi cổ vật còn phải có sự cầm ngắm của giới chơi không chuyên, thậm chí cả với những người không hiểu lắm về cổ vật, như thế mới tăng thêm sắc đẹp thời gian”. Nói đúng ra là tăng độ trầm tích về mặt thời gian. Chính vì lẽ đó mà ông Diệp vui vẻ cùng khách cầm sách, biểu, chiếu, bình, lọ hàng trăm năm trước để đọc, soi mình, xét thân, răn tính.
NAM DƯƠNG