Kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực châu Âu cuối năm ngoái, Đức và Pháp luôn là 2 quốc gia đi đầu nhằm ngăn chặn vệt dầu loang nợ công lan rộng. Tuy nhiên, khi tình hình trở nên trầm trọng hơn trong năm nay, Pháp dường như đang có dấu hiệu nhiễm bệnh. Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s ngày 17-10 đã đặt tín dụng Pháp ở mức cảnh báo nguy hiểm. Trong khi đó, các nhà kinh tế hàng đầu Đức cho rằng tín dụng Pháp không thể giữ xếp hạng AAA trong năm tới.
Trái phiếu Chính phủ Pháp đang mất giá. Lãi suất trái phiếu thời hạn 10 năm hiện nay đã tăng lên 3,13% so với mức 2,6% vào cuối tháng 9 vừa qua. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư xem mức độ rủi ro của trái phiếu Chính phủ Pháp chỉ sau Hy Lạp, Bỉ và Ireland và việc mức tín dụng AAA bị hạ hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo Jorg Kramer, nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Commerzbank (Đức), kinh tế Pháp đang đối mặt nhiều khó khăn. Pháp đang vật vã với cuộc chiến thâm hụt ngân sách trong nhiều năm qua. Vài tuần trước, Paris đã công bố các giải pháp thắt lưng buộc bụng nhằm giảm thâm hụt ngân sách (ước tính khoảng 5,7% GDP năm 2011) trở về mức trần 3% GDP vào năm 2013 mà Liên minh châu Âu (EU) đặt ra. Tổng nợ của Pháp cũng ở mức cao, chiếm 85,5% GDP hàng năm, trong khi mức nợ EU cho phép chỉ 60%.
Trong khi đó, hệ thống ngân hàng Pháp cũng đang gặp vấn đề. EU vừa đề xuất gói giải cứu Hy Lạp thứ 2 trị giá 109 tỷ EUR nhấn mạnh vai trò các nhà đầu tư cá nhân. Theo đó, EU yêu cầu các ngân hàng trong khối phải cắt giảm 21% và thậm chí có thể đến 50% khoản nợ cho Hy Lạp. Nếu như cắt giảm 50%, các ngân hàng Pháp mất khoảng 3,3 tỷ EUR các khoản lợi nhuận và 1,7 tỷ EUR giá trị tài sản cầm cố. Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Christian Noyer cho biết điều đó gây thiệt hại không đáng kể đến hệ thống ngân hàng nước này.
Trong lúc đó, giới kinh tế cho rằng có thể các khoản nợ của Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tác động vừa phải đến các ngân hàng Pháp, nhưng khoản nợ công khổng lồ của Chính phủ Ý trở thành nhân tố khiến hệ thống ngân hàng Pháp phải mệt mỏi khi BNP Paribas nắm giữ khoản nợ của Ý trị giá 22,8 tỷ EUR, Credit Agricole là 8,7 tỷ EUR...
Một báo cáo nghiên cứu của hãng xếp hạng tín dụng Fitch tháng 9 vừa qua cho rằng tỷ lệ vốn tại các ngân hàng Pháp hiện thấp hơn so với các ngân hàng trong EU và với thực lực như vậy sợ rằng khó ngăn chặn được đà rớt giá của trái phiếu chính phủ các quốc gia đang mang nợ. Philippe Brossard, Chủ tịch Công ty Nghiên cứu kinh tế Macrorama (Pháp), cho rằng các ngân hàng cần được thêm vốn. Nhưng câu hỏi đặt ra, tiền ở đâu để tái cơ cấu, bổ sung vốn cho các ngân hàng? Đây là vấn đề Pháp và Đức vẫn còn đang tranh cãi.
Không có Pháp và Đức, các nền kinh tế châu Âu, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland đã tuyên bố vỡ nợ từ lâu. Chưa biết những lời cảnh báo về nền kinh tế Pháp có trở thành sự thật hay không, nhưng sự chần chừ của EU trong việc giải cứu Hy Lạp đang đẩy quốc gia này đối mặt với nguy cơ vỡ nợ. Khi đó, hàng loạt các quốc gia ngồi trên đống nợ rất có thể nằm trong hiệu ứng dây chuyền domino.
ĐỖ VĂN