Thời gian qua, đường dây nóng Báo SGGP nhận khá nhiều cuộc gọi phản ánh thực trạng rất phiền phức khi đi làm các thủ tục, giấy tờ… do căn cước công dân (CCCD) mới được cấp không thể thay thế chứng minh nhân dân (CMND). CCCD không dùng lại số CMND cũ, nên khi cấp mới CCCD, người dân được cấp một tờ giấy xác nhận số CMND cũ để xuất trình xác thực (do các giấy tờ hộ khẩu, đăng ký kết hôn, nhà đất, tín dụng… ghi số CMND cũ).
Vì thế, người dân đi làm thủ tục, giấy tờ không chỉ phải mang theo CCCD mà còn phải kèm theo tờ giấy xác nhận số CMND cũ, trong khi đây lại là một tờ giấy mỏng, dễ bị rách, bị thất lạc. Người dân cả nước phải chịu phiền hà như vậy. Lẽ ra, trong CCCD chỉ cần có thêm một dòng ghi chú số CMND trước đây là đủ làm cơ sở xác thực.
Trả lời vấn đề này, Thượng tá Lê Duy Bình, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TPHCM, cho biết việc ghi thêm số CMND cũ vào thẻ CCCD là không đơn giản. Trước tiên, Luật CCCD cũng như thẻ CCCD đã được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20-11-2014. Mặt khác, nếu ghi thêm số CMND vào thẻ CCCD thì phải chừa rất nhiều hàng. Bởi lẽ, khi ghi số CMND thì phải ghi thêm ngày và nơi cấp. Đó là chưa kể, có những trường hợp đã có nhiều CMND.
Khoản 3 Điều 10 Luật CCCD quy định: “Thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ để cơ quan, tổ chức kiểm tra, thống nhất thông tin về công dân. Khi công dân đã sử dụng thẻ CCCD của mình, cơ quan, tổ chức không được yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.
“Quy định rõ ràng như vậy, nhưng hiện nay các cơ quan chức năng vẫn chưa vận dụng triệt để. Theo tôi, Chính phủ cần có chỉ thị chỉ đạo các cơ quan chức năng không được đòi hỏi thêm giấy tờ, để giảm phiền hà cho dân”, ông Bình đề xuất.
Căn cước công dân do Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) cấp. Tuy nhiên, hiện nay dữ liệu quốc gia chỉ mới quản lý được 16 tỉnh, thành.