“Khổ” khi du học

Trong suy nghĩ nhiều người, đi du học “sướng nhiều hơn khổ”. Sướng vì chẳng những được lĩnh hội nhiều kiến thức từ các nền giáo dục tiên tiến mà còn được thăm thú danh lam thắng cảnh nơi xứ người, tích lũy nhiều kinh nghiệm... Tuy nhiên, không ít người trong cuộc lại chia sẻ: khổ như đi du học.
“Khổ” khi du học

Trong suy nghĩ nhiều người, đi du học “sướng nhiều hơn khổ”. Sướng vì chẳng những được lĩnh hội nhiều kiến thức từ các nền giáo dục tiên tiến mà còn được thăm thú danh lam thắng cảnh nơi xứ người, tích lũy nhiều kinh nghiệm... Tuy nhiên, không ít người trong cuộc lại chia sẻ: khổ như đi du học.

Phương Bảo, cựu Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Melbourne, Australia (MOVSA) cho hay nỗi khổ đầu tiên là việc phải sống xa gia đình, người thân ở nơi xứ lạ quê người, nhất là các bạn đi học từ những năm phổ thông. Có thể công việc hàng ngày cuốn đi khiến bạn “quên” nỗi nhớ nhà nhưng những lúc đổ bệnh, gặp khó khăn trong học hành, cuộc sống, cần được an ủi, động viên thì nhớ bố mẹ, người thân đến phát khóc. Nhớ nhà còn là nhớ, thèm những món ăn quen thuộc ở quê nhà bởi không phải ai cũng thích và hợp với đồ ăn ở Australia.

Tiếp đến là rào cản ngôn ngữ. Dù đã chuẩn bị sẵn vốn tiếng Anh kha khá tại Việt Nam nhưng đa phần các bạn sẽ bị “sốc” ngôn ngữ khi học tại Australia. Tiếng Anh của người Australia khá lạ lẫm, khó nghe đối với du học sinh Việt Nam, vốn đã quen với giọng người Anh (British English) hoặc Mỹ (American English). Ngoài ra, người bản địa cũng sử dụng rất nhiều tiếng lóng trong giao tiếp khiến người mới đến chỉ biết “thộn mặt” đứng nhìn.

Du học sinh tại Melbourne thường gặp gỡ hàn huyên nơi xứ người. Ảnh: PHƯƠNG BẢO

Tuy nhiên, điều làm các du học sinh trăn trở nhất là tìm việc làm thêm. Đi làm không chỉ để kiếm thêm thu nhập, đỡ phần nào chi phí cho gia đình mà còn để có thêm vốn sống thực tế và trau dồi thêm tiếng Anh. Nhưng để tìm được một công việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập và có thu nhập thì không phải ai cũng may mắn có được. Chính phủ Australia quy định, trong thời gian đi học, du học sinh chỉ được làm 20 giờ/tuần. Đa số không thể kiếm được những việc làm đúng theo quy định thời gian. Vì thế, các công việc được nhiều bạn lựa chọn nhất là rửa chén bát, phụ bếp, phục vụ bàn, phụ việc trong các chợ hay cửa hàng của người Việt, người Hoa với mức lương thấp và không được hưởng các chế độ dành cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Còn Hồng Trang, cô sinh viên đang theo học chuyên ngành PR tại một trường đại học ở Vermont, Mỹ, cho biết điều khó khăn đối với không ít sinh viên Việt Nam đến từ việc học. Cách học ở Mỹ hoàn toàn khác khi giảng viên không quan tâm, bám sát học viên như ở Việt Nam mà chỉ đóng vai trò hướng dẫn, gợi mở. Vì vậy, khi du học, các bạn phải xác định được ý thức tự giác, làm quen với cách học tự nghiên cứu và bỏ lối tư duy thụ động, phụ thuộc vào giảng viên. Nhiều khi nghe giảng trên lớp không hiểu, sinh viên phải về nhà tự tìm các tài liệu để nghiên cứu.

Một điều nữa cũng gian nan không kém đó là làm sao để hòa nhập nhanh với bạn bè nước ngoài, người dân bản địa. Thông thường, sinh viên Việt Nam sang Mỹ phải mất từ nửa năm trở lên mới tạm quen được với nếp sống, nếp sinh hoạt. Điều này xuất phát từ sự khác biệt về văn hóa. Nếu không tìm hiểu kỹ phong tục, tập quán, thói quen của người bản địa thì có khi những hành động, lời nói tưởng như là bình thường ở Việt Nam lại trở thành những điều tối kị trong ứng xử ở Mỹ. Không ít du học sinh bị sốc về văn hóa, cảm thấy tủi thân trong thời gian đầu sang du học khi “làm gì cũng chỉ có một mình”...

Những khó khăn khi theo học nơi trời Tây còn rất nhiều nhưng Phương Bảo, Hồng Trang và rất nhiều bạn sinh viên du học khác không nản lòng. Họ xem những trở ngại trên là những trải nghiệm giá trị giúp họ trưởng thành trong suy nghĩ và hành động, là hành trang quý giá giúp họ vững bước vào đời.

LONG TRẦN

Tin cùng chuyên mục