Khó kiểm chứng chất lượng khi mua hàng trên mạng

Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới là lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong thương mại thế giới. Đây là vấn đề thời sự được quan tâm và có tiềm năng lớn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Trong bối cảnh mới, TMĐT trở thành mối quan tâm trong định hướng của những nhà phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra trong lĩnh vực TMĐT.

Chọn mua hàng qua mạng    Ảnh: THÀNH TRÍ
 Chưa hài lòng về chất lượng

 
Sau 5 ngày đặt hàng, ngày 4-3 vừa qua, chị Thanh Hiền (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) đã nhận được hàng là một cái chảo không dính 2 mặt hiệu Dessini, giá bán 669.000 đồng. Trên thực tế, chảo này được trang web giới thiệu là hàng của Italy, có tính năng vượt trội vì khi chiên, nướng không bị văng dầu mỡ ra ngoài, không bị khói, giảm thiểu tối đa mùi trong nấu ăn… Chị Thanh Hiền rất hồ hởi với lời rao này. Tuy nhiên, khi nhận hàng chị Hiền không tin sản phẩm được sản xuất từ Italy, bởi dòng chữ “Made in Italy” dập trên tay cầm rất mờ nhạt, không sắc nét như vốn có. Đưa vào chiên cá thì ngay lập tức bị bung ron (miếng cao su lót để ngăn dầu chảy ra ngoài khi lật qua lật lại trong quá trình chiên, nướng). Dù không vừa ý với sản phẩm mới mua nhưng chị Hiền cũng không biết đem đối chứng về chất lượng ở đâu, mất bao nhiêu thời gian… 

Tương tự, cách đây không lâu, chị Minh Thảo đặt mua bộ quần áo ngủ gồm váy, bộ đồ ngắn và áo khoác với giá hơn 1 triệu đồng. Trên trang mạng rao là hàng lụa, đẹp về màu sắc, kiểu dáng, nhưng khi nhận hàng và mặc thử chị Thảo cho rằng đây là sản phẩm bị nhái vì phom hàng không chuẩn, mặc vào thấy rộng chỗ này, chật chỗ khác và vải không mát… Theo chị Thảo, dù biết mua sản phẩm qua mạng thường rơi vào tình trạng hên - xui nhưng với những lời rao như mật ngọt, kèm theo giảm giá, giao hàng không tốn phí… khiến nhiều lần chị vẫn bấm chọn mua. “Do con còn nhỏ, cả ngày đi làm, tối về lo dạy con cái học hành nên tôi hay chọn đặt mua hàng qua mạng. Có sản phẩm dùng tốt, nhưng cũng không ít lần tôi đặt mua về để đó vì dùng không phù hợp. Trong bối cảnh TMĐT phát triển nhanh, nhưng khâu giám sát của các cơ quan chức năng đối với hoạt động này chưa theo kịp thì việc đến thẳng các trung tâm thương mại, siêu thị để “nhìn tận mắt, sờ tận tay” vẫn là cách lựa chọn thông minh nhất”, chị Minh Thảo kết luận. 


 Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ việc người mua hàng không hài lòng với chất lượng sản phẩm, vì có những mặt hàng chỉ bán trên mạng, không có cửa hàng bán thực tế nên rất khó đối chiếu. 

TMĐT đã và đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, tạo ra phương thức kinh doanh và làm việc phù hợp với cuộc sống công nghiệp hiện đại; đồng thời cũng tạo ra một sân chơi mới cho các doanh nghiệp (DN), buộc họ phải đổi mới, sáng tạo để đưa ra chiến lược kinh doanh và dịch vụ riêng cho sản phẩm, từ đó góp phần phát triển nền kinh tế. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, xu hướng mua sắm trực tuyến qua mạng, truyền hình, di động sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở Việt Nam. Bên cạnh đó là sự phát triển các loại hình mua sắm tại trung tâm thương mại tổng hợp kết hợp giải trí và ăn uống, đang là xu hướng của người tiêu dùng trẻ tuổi. Theo số liệu thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista, tổng doanh thu của các đơn vị TMĐT tại Việt Nam đạt 2,26 tỷ USD trong năm 2018, tăng gần 30% so với năm 2017. Tính đến cuối năm 2018, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đạt khoảng 6 tỷ USD. Dự báo trong 4 năm, từ 2016-2020, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam có thể đạt tới 10 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam sẽ vươn lên tốp 6 trong 10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ, Anh, Nhật Bản và Đức; trong đó dự báo năm 2019, mức tăng trưởng sẽ đạt khoảng 35%.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ, mang lại những tiện ích cho người tiêu dùng thì thực tiễn cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực TMĐT và các hình thức kinh doanh thông qua công nghệ số.

Quản lý còn nhiều gian nan

Lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cho rằng, công tác kiểm tra, phát hiện các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trên các website vi phạm đang gặp nhiều trở ngại. Các giao dịch, thanh toán trên mạng đều là ảo, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này (nếu là hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn. Mặt khác, vấn đề thông tin cá nhân trên giao dịch TMĐT cũng có rất nhiều người tiêu dùng bức xúc khi tên, tuổi, số điện thoại, địa chỉ của họ bị các DN sử dụng phương thức TMĐT cung cấp cho bên thứ ba, gây ảnh hưởng đến sự an toàn và bảo mật thông tin của khách hàng...

Để phòng chống gian lận thương mại trong TMĐT, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT, cho biết, công tác đấu tranh phòng chống và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của lực lượng QLTT trong năm 2019 nhằm tạo sự chuyển biến tích cực và rõ nét trong lĩnh vực này. Theo đó, lực lượng QLTT sẽ đổi mới, xây dựng cơ sở sản xuất dữ liệu, hệ thống chứng từ điện tử để giúp giám sát, kiểm tra thị trường hiệu quả hơn. Tăng cường công tác tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các quy định của pháp luật đối với hoạt động TMĐT để người mua hiểu được quyền, lợi ích của mình và nâng cao trách nhiệm của cơ sở kinh doanh.

Cũng theo ông Trần Hữu Linh, do tính chất đặc thù và phức tạp của hoạt động TMĐT, để bảo đảm hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực TMĐT, Tổng cục QLTT sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng và các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là cơ quan thông tin, truyền thông trong quá trình triển khai các biện pháp nghiệp vụ và thực hiện hoạt động kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Tổng cục QLTT sẽ tăng cường tổ chức các khóa đào tạo, tập luyện, phát triển năng lực cán bộ QLTT trong lĩnh vực TMĐT, bắt kịp các ứng dụng công nghệ thông tin mới phát sinh, có khả năng thu thập thông tin, xác định vi phạm trong các trang mạng, ứng dụng TMĐT để phát hiện nhanh và chính xác các hành vi vi phạm, từ đó đề xuất biện pháp xử lý hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục