Cứ vào thời điểm giáp tết hàng năm lại rộ lên tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Tại cuộc họp đột xuất với Cục Quản lý ATVSTP (Bộ Y tế) vừa qua, đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết vẫn còn có sự yếu kém, nể nang từ các đơn vị quản lý.
Gần 50% cơ sở mất an toàn vệ sinh
Không ít loại mứt được bày bán tại chợ Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5) hay Bến Thành (quận 1) đều trông đẹp mắt, ngon lành, hấp dẫn. Nhưng nếu một lần chứng kiến cảnh sản xuất, chế biến những loại mứt ấy, chắc hẳn không ai dám ăn.
Những ngày qua, các đoàn thanh tra của Chi cục ATVSTP TPHCM đã kiểm tra và phát hiện nhiều cơ sở sản xuất mứt mất vệ sinh. Tại các cơ sở làm mứt dọc cư xá Đường sắt (phường 1, quận 3), ruồi nhặng, bụi bặm bám đầy. Thợ làm mứt với đôi tay trần, mồ hôi nhễ nhại nhào nặn từng đống gừng, bí đao, mãng cầu và sử dụng hóa chất ngâm tẩm vô tội vạ... Tại cơ sở làm mứt Trường Thọ (đường Trương Phước Phan, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân), mứt được sản xuất ngay trên sàn nhà, cạnh nhà vệ sinh và ngâm trong các thùng bốc mùi hôi thối… Để có mứt đẹp, hạt dưa đỏ mọng, người chế biến không ngại cho thêm các loại phụ gia, hóa chất độc hại.
Với 23 mẫu hạt dưa, tương ớt, bột hạt điều, gia vị nấu lẩu mà Thanh tra Sở Y tế TPHCM thu thập, xét nghiệm cho kết quả 3 mẫu (hạt dưa và ớt bột) nhiễm chất gây ung thư. Ngoài ra, rất nhiều những mặt hàng thực phẩm phục vụ tết đều không rõ nguồn gốc, thiếu nhãn mác. Bằng chứng là trong đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra vừa qua, cơ quan chức năng tịch thu, tiêu hủy hơn 9 tấn tương các loại, gần 3.000 quả trứng, hơn 50kg thực phẩm và gia vị hết hạn sử dụng không đảm bảo ATVSTP… Chưa hết, hàng loạt cơ sở nấu ăn phục vụ tiệc cưới, bếp ăn tập thể, cung cấp suất ăn sẵn cũng mất vệ sinh từ nguyên liệu chế biến cho đến mặt bằng làm việc.
Theo ông Nguyễn Minh Hùng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, từ tháng 10-2010 đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra 356 cơ sở chế biến thực phẩm, phát hiện 152 cơ sở vi phạm (gần 50%), đình chỉ hoạt động 25 cơ sở. Phần lớn các vi phạm như điều kiện vệ sinh không đảm bảo, nguồn gốc nguyên liệu không rõ ràng. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, đó chỉ mới là phần nổi, bởi hiện toàn TP có tới hàng ngàn cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm có địa chỉ và không địa chỉ chưa được thường xuyên thanh kiểm tra.
Yếu kém hay có tiêu cực?
* Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận vừa chỉ đạo Sở Y tế phối hợp các sở ngành liên quan và UBND các quận huyện thường xuyên kiểm tra chặt chẽ và có biện pháp xử lý kịp thời, thích đáng đối với các cơ sở chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh. Đặc biệt là các cơ sở chế biến phục vụ thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, bếp ăn tại các KCN-KCX. |
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục ATVSTP, cho rằng năng lực kiểm nghiệm thực phẩm của TPHCM rất tốt và hoàn toàn phát hiện được các chất nguy hại có trong thực phẩm. Tuy nhiên, đó là những chất nằm trong danh mục cảnh báo của Bộ Y tế, còn chất ngoài danh mục thì… bó tay. Khi bị chất vấn vì sao có nhiều cơ sở chế biến thực phẩm đã được chi cục cấp giấy đủ điều kiện ATVSTP nhưng đi kiểm tra vẫn vi phạm, bà Mai cho rằng lúc đi thẩm định cấp giấy, cơ sở nào cũng sạch sẽ nhưng cấp giấy xong, cơ sở lại mất vệ sinh trở lại. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi đợt thanh tra vừa qua tại 85 cơ sở đã được cấp giấy đủ điều kiện ATVSTP, có đến 58 cơ sở vi phạm. Nhiều ý kiến cho rằng, việc cấp giấy đủ điều kiện ATVSTP chẳng qua là hình thức và sự yếu kém trong hậu kiểm đã khiến các cơ sở bất chấp luật lệ.
Hiện hệ thống thanh tra, kiểm tra ATVSTP của TPHCM xuống tận quận huyện nhưng hầu hết các quận huyện vẫn còn lơ là, hoạt động kém hiệu quả. Cụ thể, các đoàn kiểm tra của Sở Y tế kiểm tra 12 cơ sở và phát hiện 10 cơ sở vi phạm ATVSTP, trong khi các đoàn quận huyện kiểm tra tới 40 cơ sở nhưng chỉ phát hiện được 2 cơ sở vi phạm.
Tại cuộc họp giao ban y tế quận huyện ngày 12-1 vừa qua, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP cho biết tỷ lệ phát hiện và xử phạt của các đoàn thanh tra ATVSTP quận huyện quá thấp và chưa thể hiện đúng thực chất. Vậy, trình độ cán bộ thanh tra ATVSTP quận huyện yếu kém hay có sự bao che, tiêu cực?
Giải thích vấn đề này, ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng chưa có bằng chứng về các trường hợp tiêu cực. Tuy nhiên, ông Giang khẳng định, có sự nể nang ở cơ sở. “Do các cơ sở nằm trên địa bàn, nên cán bộ thanh tra có sự “nể nang”. Đó là chưa nói đến lực lượng thanh tra do có họ hàng, bạn bè mở xưởng sản xuất nên không nỡ… xuống tay”, ông Giang nói. Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi các đoàn thanh tra cấp sở xuống kiểm tra, cơ sở chế biến thực phẩm đã tẩu tán hết vật chứng hoặc đóng cửa.
Tại cuộc họp đột xuất mới đây về tình hình ATVSTP, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Quản lý ATVSTP (Bộ Y tế) phát biểu: Với 9,3 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay, việc kiểm soát ATVSTP là rất khó khăn. Về phần mình, ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu các đơn vị tập trung thanh tra, kiểm tra các mặt hàng thực phẩm phục vụ tết.
Tường Lâm