Vụ “treo thịt bò, bán thịt ngựa” bùng lên khi người ta phát hiện thịt ngựa trong hộp thịt bò băm lasagne làm sẵn do Tập đoàn Findus của Thụy Điển bán ra trên thị trường Ireland, Anh và Pháp. Đây là một hành vi gian lận trắng trợn vì trên nguyên tắc, món lasagne phải được chế biến với thịt bò. Bên cạnh đó, ăn thịt ngựa còn được xem là một điều cấm kỵ tại một số quốc gia châu Âu như: Anh, Pháp, Ireland.
Theo một số chuyên gia, giá thịt ngựa chỉ bằng 1/4 giá thịt bò và đó là nguyên nhân dẫn đến vụ gian lận. Vụ việc còn trở nên nghiêm trọng hơn khi có một số thông tin cho rằng, trong thịt ngựa xuất khẩu từ Anh sang Pháp có chứa thuốc kháng sinh, kháng viêm, được dùng để hỗ trợ nuôi ngựa song bị cấm sử dụng trên các loại động vật được nuôi để lấy thịt cho người sử dụng.
Trong khi đó, ủy viên Liên minh châu Âu phụ trách các vấn đề y tế Tonio Borg cho rằng đây chỉ là một vụ gian lận cố ý dán nhãn sai để kiếm lợi. Ông Tonio cũng công bố đề xuất tiến hành một cuộc thử nghiệm quy mô lớn trong toàn EU. Liệu đây có phải là lời giải thích thỏa đáng cho một trong những vụ bê bối thực phẩm gây hoang mang tại châu Âu.
Nhìn lại hàng loạt tiêu chuẩn, quy định gắt gao để hàng hóa trong đó thực phẩm lọt vào thị trường châu Âu lại cho người ta thấy không có lý do gì để xuất hiện sự việc trên. Lẽ nào đây chỉ là một sai sót nhỏ khi châu Âu vốn nổi tiếng là một thị trường nhập khẩu rất khắt khe? Theo quy định nhập khẩu của Ủy ban châu Âu, thực phẩm bị coi là không an toàn nếu gây tổn hại cho sức khỏe người tiêu dùng EU hoặc không phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của con người. Châu Âu rất coi trọng việc áp dụng các hệ thống HACCP (phân tích mối nguy và điểm kiểm soát quan trọng), GMP (Quy cách sản xuất tốt), GHP (Quy cách vệ sinh tốt).
Các mặt hàng thực phẩm không đáp ứng yêu cầu của luật pháp EU sẽ bị loại bỏ tại biên giới các nước thành viên EU hoặc sẽ bị thu hồi nếu đã có mặt trên thị trường EU. Để một quốc gia thuộc các nước đang phát triển có đủ điều kiện xuất khẩu hàng hóa vào EU thì cần phải tuân theo một số các tiêu chuẩn nghiêm ngặt được cho là bậc nhất thế giới, liên quan tới tình hình sức khỏe động vật trong nước, năng lực của chính phủ, các kế hoạch kiểm soát chất gây ô nhiễm và nhiều hơn nữa. Do đó, quốc gia xuất khẩu phải kiểm soát mọi thứ từ trong nước trước, cho dù quốc gia đó đã được phép xuất khẩu sang EU…
Kiểm soát gắt gao, quy định chặt chẽ song tại châu Âu đã xảy ra không ít vụ việc bê bối thực phẩm ngay từ các nhà sản xuất trong khu vực. Trước vụ “treo thịt bò, bán thịt ngựa”, châu Âu đã rúng động trong vụ dưa chuột nhiễm khuẩn E.coli làm 17 người thiệt mạng, gần 2.000 phải nhập viện. Những vụ bê bối thực phẩm tại châu Âu cũng khiến người ta đặt câu hỏi liệu châu Âu có thực sự đặt tiêu chuẩn an toàn lên hàng đầu hay việc đặt ra các quy định chỉ là một hình thức núp bóng của bảo hộ mậu dịch nhằm bảo vệ thị trường trong nước. Nếu câu hỏi này được xác nhận thì quả là “khó người, dễ ta”.
THANH HẰNG