Việt Nam có một hệ đa dạng chủng loại cây dược liệu rất lớn với khoảng 4.000 loài có công dụng làm thuốc. Bên cạnh đó, trong cộng đồng không ít người đã có kinh nghiệm, truyền thống lâu đời sử dụng các loại cây, con dùng làm thuốc để phòng và chữa bệnh rất đa dạng. Do đó, việc tập trung phát triển nguồn dược liệu phong phú, để biến thành thế mạnh của ngành công nghiệp dược là vấn đề cấp bách.
Vốn quý của dân tộc
Việt Nam với vị trí tự nhiên hiếm có, nằm trong vành đai nhiệt đới gió mùa, khí hậu có nhiều nét độc đáo và đa dạng, thay đổi từ điều kiện khí hậu nhiệt đới điển hình ở vùng núi thấp phía Nam, đến khí hậu mang tính chất Á - nhiệt đới vùng núi cao ở các tỉnh phía Bắc. Điều kiện tự nhiên đó đã ưu đãi cho nước ta một hệ sinh thái phong phú và đa dạng, một tiềm năng to lớn về nguồn tài nguyên dược liệu. Thống kê trong số hơn 12.000 loài thực vật ở Việt Nam, có gần 4.000 loài cho công dụng làm thuốc. Trong số này, nhiều dược liệu được xếp vào loài quý và hiếm trên thế giới, điển hình như sâm Ngọc Linh.
Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin (có tác dụng kháng khuẩn, nâng cao thể trạng cơ thể, kháng nấm, ức chế virus gây hại...) trong khi sâm Triều Tiên chỉ có khoảng 25 saponin. Không dừng ở đây, những kết quả nghiên cứu, phân lập thành phần hóa học mới nhất được công bố còn kéo dài danh sách saponin của sâm Ngọc Linh lên tới hơn 50 loại. Các loại cây dược liệu khác của Việt Nam như artiso, đinh lăng, vằng đắng... cũng có những giá trị rất lớn trong việc sản xuất các loại thuốc phòng và chữa bệnh. Trong số 20 loại dược liệu có nhu cầu dùng cho sản xuất thuốc lớn nhất ở nước ta thì artiso đứng đầu danh sách với số lượng tiêu thụ lên tới 2.000 tấn/năm, tiếp theo là đinh lăng với hơn 900 tấn/năm.
Một hộ dân trồng đinh lăng cung cấp cho các cơ sở sản xuất nam dược.
Cùng với kho thuốc quý giá từ thiên nhiên, lâu nay nhiều cộng đồng dân tộc tại nước ta còn sở hữu không ít bài thuốc dân gian có nguồn gốc từ dược liệu. Trong đó điển hình của trường phái thuốc nam là đại danh y Tuệ Tĩnh với khẩu hiệu nổi tiếng “Nam dược trị Nam nhân”. Theo TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, sự phát triển của nền y học dân tộc cho tới ngày nay chúng ta vẫn giữ được những nét đặc sắc rất riêng, rất bản địa, đó chính là cách thức phát hiện ra các vị thuốc, bài thuốc rất quý dựa vào kinh nghiệm sống.
Đánh thức tiềm năng
Tại Việt Nam, kết quả điều tra, đánh giá ở một số vùng nuôi trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế to lớn hơn bất kỳ cây lương thực, thực phẩm nào, với thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng/ha. Ví dụ như ở Sapa (tỉnh Lào Cai), việc trồng cây artiso đem lại doanh thu đạt hơn 115 triệu đồng/vụ/năm. Hay ở Việt Yên (tỉnh Bắc Giang), mô hình trồng cây kim tiền thảo là hướng mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương và đã thực sự góp phần giảm nghèo cho người dân nơi đây.
Mặc dù có tiềm năng về dược liệu rất lớn nhưng theo đánh giá của các cơ quan quản lý thì công tác bảo tồn và phát triển dược liệu ở nước ta đang đối mặt với không ít hạn chế và khó khăn. Trong đó nổi lên là việc quy hoạch phát triển dược liệu, bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu, việc tiêu chuẩn hóa dược liệu cũng như việc hiện đại hóa sản xuất thuốc từ dược liệu còn nhiều bất cập. Tình trạng nuôi trồng và khai thác dược liệu còn tự phát, quy mô nhỏ dẫn đến sản lượng dược liệu không ổn định và giá cả biến động. Việc khai thác dược liệu quá mức, không đi đôi với tái tạo, bảo tồn đã dẫn đến số lượng loài cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít.
Theo Cục trưởng Trương Quốc Cường, cần nhanh chóng quy hoạch nhiều vùng trồng dược liệu quy mô lớn trên cơ sở khai thác các vùng có lợi thế về điều kiện tự nhiên, thích hợp với sinh trưởng và phát triển của cây dược liệu. Đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu. Cần chứng minh, xác định được nguồn gen nào tốt nhất, từ đó triển khai các biện pháp phục tráng giống, thuần hóa giống, nhập nội giống. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để chọn, tạo ra các loại giống dược liệu có năng suất, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất dược liệu. Hơn nữa, để đảm bảo nguồn dược liệu chất lượng cao, cần đẩy mạnh triển khai thực hiện GACP, bao gồm thực hành tốt trồng cây dược liệu (GAP) và thực hành tốt thu hái cây dược liệu hoang dã (GCP). Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng danh mục 40 dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển thị trường để làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích phát triển dược liệu trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
|
TRUNG KIÊN