Tại buổi gặp gỡ và đối thoại với doanh nghiệp nông nghiệp cuối tuần qua, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TPHCM ghi nhận vẫn còn gặp không ít rào cản trong việc tiếp cận chính sách của Nhà nước cũng như của TP.
Chưa đồng bộ giữa các bộ ngành
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Công nghệ Á Châu, cho rằng Nhà nước thời gian qua có nhiều chính sách tốt, nhưng khi áp dụng vào thực tế, doanh nghiệp (DN) gặp không ít rào cản, khó khăn để tiếp cận, do chưa có sự đồng bộ giữa các cục hay giữa các bộ ngành. Ví dụ, chính sách miễn thuế nhập khẩu thiết bị, máy móc nông nghiệp khi triển khai vẫn bị vướng ở hải quan, thuế.
Cụ thể, từ ngày 1-7, tất cả các sản phẩm nông cụ nhập khẩu về Việt Nam phải qua kiểm tra trong khi các máy móc này đều đang được sử dụng tại các nước có nền nông nghiệp hiện đại. Nhiều thiết bị Việt Nam chưa sản xuất được, không có tiêu chuẩn kỹ thuật đưa ra thì việc kiểm tra có hợp lý không. DN phải gửi bộ hồ sơ ra Hà Nội, chờ đợi cơ quan chức năng kiểm tra rồi mới được nhập về. Danh sách, bảng kê khai bộ phận rời (catalogue) hàng hóa phải photocopy và để rõ thì phải photocopy màu, gây tốn kém và mất thời gian. Không ít trường hợp, nhập khẩu thiết bị phục vụ chăn nuôi nhưng hải quan cho là thiết bị phục vụ y tế, vậy là phải mất thêm thời gian để xin phép Bộ Y tế.
Trồng rau tại HTX Thỏ Việt ở huyện Củ Chi Ảnh: THÀNH TRÍ
Với chuyện nhập cỏ giống về trồng để phục vụ chăn nuôi, giống cỏ này trên thế giới đã trồng 20 - 30 năm qua, ở Việt Nam cũng đã trồng và hiệu quả, nhưng hải quan cho rằng không có trong danh mục giống cỏ cho nhập khẩu, DN muốn nhập về phải theo dạng thử nghiệm số lượng ít. Vậy là, DN phải nhập 20kg bằng đường hàng không tốn 500USD chi phí vận chuyển, trong khi nếu được nhập vài trăm ký trở lên/lần bằng đường biển sẽ rẻ hơn rất nhiều. Có trường hợp chờ thử nghiệm lâu quá, khách hàng đợi không được nên DN mất luôn khách hàng.
Ông Nguyễn Trường Sinh, Công ty TNHH Nhakinh.net, cho rằng, vướng hiện nay là chính sách, tuy các sở NN-PTNT hay Bộ NN-PTNT có những tháo gỡ kịp thời cho DN nhưng điều này chưa có sự đồng bộ với cơ quan thuế, hải quan. Như việc nhập khẩu màng phủ nhà kính cho các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao mà trong nước chưa làm được, DN nhập khẩu về để thi công cho nhà đầu tư nông nghiệp trong nước không được khấu trừ 10% thuế VAT, mà buộc phải đưa vào chi phí sản xuất làm tăng giá thành nên DN không dám ký hợp đồng với nhà đầu tư (nhiều dự án lên đến cả trăm hécta). Thực tế cho thấy, có không ít trường hợp nông dân hay nhà đầu tư nông nghiệp đang phải trả chi phí cao hơn nhiều so với chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Chưa theo kịp chủ trương
Ông Nguyễn Xuân Hòa phản ánh thêm, việc nhập khẩu lô tinh heo hoặc tinh bò để cải thiện đàn giống phải chờ ít nhất 3 tuần mới được cấp phép. Đầu tiên, gửi đơn xin phép lên Cục Chăn nuôi, chờ 1 tuần mới được. Sau đó gửi lên Cục Thú y, chờ thêm 1 tuần nữa. Khi nhập hàng về phải gọi thú y địa phương đến kiểm tra, mất thêm 1 tuần nữa, mà những cục này đều cùng trực thuộc Bộ NN-PTNT, tại sao không làm thủ tục một cửa giúp cho DN. Tình trạng cùng một sở mà phải kiểm tra, giám sát nhiều lần cũng xảy ra ở TPHCM. Chủ nhiệm một hợp tác xã (HTX) rau sạch ở quận 9 cho biết, dù HTX mới thành lập, nhưng các xã viên là những người đã sản xuất và cung cấp cho nhiều hệ thống siêu thị hàng chục năm nay. Sản phẩm rau mầm đã được chứng nhận VietGAP nhưng muốn tham gia chợ phiên nông sản an toàn của TP, ban tổ chức yêu cầu phải có thêm giấy phép chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Chi cục Bảo vệ thực vật xuống kiểm tra để xác nhận, sau đó đến lượt Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp cũng xuống kiểm tra để xác nhận mà không có gì khác với cách mà Chi cục Bảo vệ thực vật đã kiểm tra trước đó. Vậy sao không làm cùng một lượt để rút ngắn thời gian cho HTX? Ông Nguyễn Xuân Hòa cho rằng, có nhiều thủ tục lẽ ra chỉ cần vài ngày có thể giải quyết xong nhưng bị kéo dài 3 - 4 tuần lễ, mất rất nhiều thời gian. Cái này như là tự làm khó nhau, thua ngay trên sân nhà khi cạnh tranh với nước ngoài. Ông Trầm Quốc Thắng, HTX Chăn nuôi Tiên Phong (Củ Chi), bức xúc về việc có chính sách của Chính phủ như Nghị định 25 đã ban hành, hỗ trợ tốt và nhiều mặt cho DN nhưng không áp dụng vào thực tế được. Ông Thắng trao đổi với nhiều ngân hàng nhưng chưa ngân hàng nào mặn mà với chủ trương thoáng này của Nhà nước.
Để giải quyết bức xúc, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật và Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp từ nay cần phối hợp đồng bộ, giải quyết nhanh những vướng mắc như HTX như đã phản ánh. Bản thân ông cũng dị ứng với thủ tục trồng thử nghiệm, việc lạm dụng khảo nghiệm để mấy năm sau mới đề nghị là tiến bộ khoa học, thực sự gây khó cho DN. Sở sẽ kiến nghị vấn đề này với bộ trên quan điểm nếu thế giới hay Việt Nam đã có trồng rồi thì xem xét tạo điều kiện cho DN nhập khẩu. Những vấn đề vượt quá thẩm quyền, sở sẽ kiến nghị theo hướng mở tích cực, tháo gỡ nhanh cho DN để có thể nhanh chóng áp dụng các chính sách vào thực tiễn.
Ngành nông nghiệp TPHCM có sự tăng trưởng cao hơn trung bình cả nước liên tục nhiều năm, giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 5,8%, bằng 1,9 lần so với cả nước; giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng 6%, bằng 2,3 lần so cả nước; đưa giá trị đất nông nghiệp lên 375 triệu đồng/ha/năm 2015, rút ngắn khoảng cách thu nhập người dân nông thôn với thành thị xuống còn 1,2 lần so với 1,8 lần ở năm 2008. Đó là kết quả của quá trình chuyển đổi từ đầu những năm 2000. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp TP chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị với các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, như hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn…
Bên cạnh đó là hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp như hỗ trợ lãi vay ngân hàng, cao nhất là 100% với thời gian hỗ trợ lãi vay tùy theo lĩnh vực đầu tư, lên đến 5 năm. Với chủ trương này, thời gian qua, 1 đồng vốn ngân sách TPHCM hỗ trợ lãi vay đã huy động được 30 đồng vốn xã hội từ người dân, các nhà đầu tư vào nông nghiệp, tỷ lệ giá tị sản xuất trên vốn đầu tư đạt 50%, tạo ra hơn 42.500 việc làm.
CÔNG PHIÊN