Nghị định 67 của Chính phủ ra đời tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân để không chỉ có những con tàu lớn vươn khơi làm giàu từ biển mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng có hiệu lực, việc triển khai Nghị định 67 gặp nhiều vướng mắc, khiến ngư dân e dè khi tiếp cận với chính sách mang tính đột phá này.
Giậm chân tại chỗ
Đến thời điểm hiện nay, các địa phương miền Trung đã công bố các cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, sửa chữa tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ. Thế nhưng, những cơ sở này rơi vào cảnh … ngồi chờ.
Các cơ sở đủ điều kiện đóng mới tàu cá nhưng có rất ít đơn đặt hàng.
Tại cơ sở đóng tàu của Công ty CP Ứng phó sự cố tràn dầu và dịch vụ hàng hải Bảo Duy (âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng), ngoài hàng chục tàu cá đang được sửa chữa thì không có tàu cá nào được đóng mới theo Nghị định 67. Ông Phan Thanh Hùng, Phó Tổng giám đốc công ty, cho biết: “Công ty là một trong 4 đơn vị ở Đà Nẵng được chọn đóng mới tàu cá cho ngư dân theo Nghị định 67, thế nhưng đến nay chỉ có vài cá nhân đến ký hợp đồng đóng tàu vỏ gỗ, còn tàu vỏ sắt chưa có tàu nào. Vì vậy, hiện công ty tập trung sửa chữa, nâng cấp, cải hoán tàu cá cho ngư dân là chính. Trong khi đó, trang thiết bị của công ty đủ năng lực để đóng cùng lúc nhiều tàu vỏ sắt”.
Trong khi đó, Ông Lê Trung Thành, Giám đốc Hợp tác xã tàu thuyền Viễn Đông Sa Huỳnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi), cho hay: Trong số ngư dân được xét duyệt đóng tàu mới theo Nghị định 67, chỉ có ngư dân Nguyễn Sáu (ở thôn Thạch Bi 1, xã Phổ Thạnh) đến đăng ký. Thế nhưng, mấy tháng qua, do hồ sơ thiết kế tàu của ông Sáu chưa được phê duyệt nên cả 2 bên đều cùng chờ đợi.
Theo ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, qua 2 đợt xét duyệt các cá nhân, đơn vị đủ tiêu chuẩn vay vốn theo Nghị định 67, toàn tỉnh có 75 tàu gỗ, 38 tàu vỏ sắt và 11 tàu composite. Đối với tàu vỏ gỗ thì tỉnh đã duyệt 6 cơ sở đủ tiêu chuẩn đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67, nhưng chưa có ngư dân nào hoàn thiện hồ sơ đóng tàu gỗ, do trên địa bàn tỉnh không có đơn vị nào thiết kế. Trong khi đóng tàu vỏ thép thì ở Quảng Ngãi cũng không có cơ sở nào, nên việc đóng tàu theo Nghị định 67 hiện vẫn “giậm chân tại chỗ” và chưa biết đến bao giờ ngư dân mới vay được vốn, đóng được tàu.
Tương tự, 5 cơ sở đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 ở Quảng Nam cũng chẳng khả quan gì hơn khi không có hợp đồng nào được ký kết để đóng mới tàu cá theo chính sách hỗ trợ vốn vay.
Ông Trần Văn Vạn, chủ Cơ sở đóng tàu thuyền Trần Văn Vạn (khối Phước Hải, phường Cửa Đại, TP Hội An), cho biết: Hiện chúng tôi có 50 lao động có thể hoàn thành được 30 tàu cá có công suất từ 400CV trở lên trong vòng 3 tháng. Đội ngũ này có thể đáp ứng mọi yêu cầu về chất lượng tàu cá đóng mới theo yêu cầu của khách hàng. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có trường hợp nào đến đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 cả.
Băn khoăn
Khi tiếp cận với nhiều ngư dân, chúng tôi được biết, nguyên nhân chậm trễ trong việc đăng ký đóng tàu mới theo Nghị định 67 ngoài thủ tục rườm rà, nhiêu khê thì họ còn băn khoăn trong việc chọn tàu vỏ gỗ hay tàu vỏ sắt.
Ngư dân Lê Văn Xin (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng), cho rằng: Nếu làm hồ sơ vay vốn theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì có lẽ tôi đăng ký đóng tàu vỏ gỗ. Bởi tàu vỏ sắt không rõ chất lượng sắt thép để đóng tàu có bảo đảm hay không; thứ hai, việc buộc phải sử dụng máy móc mới trên con tàu vỏ thép có giá thành quá cao; thứ ba, vấn đề tàu ra vào âu thuyền sẽ gặp nhiều khó khăn khi cầu tàu quá thấp. Cạnh đó, việc điều khiển, vận hành các trang thiết bị trên tàu vỏ sắt còn quá lạ lẫm với ngư dân. Nếu muốn vận hành tốt cần phải có vài tháng theo học, rất tốn thời gian.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt danh sách 33 chủ tàu có đủ các điều kiện để đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ. Riêng huyện Thăng Bình được phân bổ 14 tàu, trong đó có 7 tàu vỏ thép, 1 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá và 6 tàu vỏ gỗ. Tuy nhiên nhiều ngư dân trong huyện lại không mấy mặn mà triển khai.
Nhóm hộ ông Phan Thu, Đặng Tấn Ba, Nguyễn Văn Hùng và Đặng Văn Hai (thôn Hà Bình, xã Bình Minh) được chọn làm thí điểm đóng 1 tàu mới bằng vỏ thép với công suất 810CV, nguồn dự toán kinh phí hơn 12 tỷ đồng. Ông Thu băn khoăn: “Nếu bỏ số tiền quá lớn như vậy nhưng không biết cách sử dụng để phát huy hết công năng thì không thể ra khơi bám biển dài ngày được, chưa nói đến việc có đem lại sản lượng cao hay không? Nếu đóng tàu vỏ sắt với số tiền quá lớn thì biết đến bao giờ mới hoàn trả hết vốn lẫn lãi cho ngân hàng?”.
Cần đơn giản thủ tục
Vướng mắc lớn nhất khiến ngư dân miền Trung chưa thật sự tiếp cận được với chính sách hỗ trợ theo Nghị định 67 phải kể đến thủ tục, hồ sơ còn rườm rà. Ngư dân Nguyễn Văn Mừng (thôn Tân Bình, thị trấn Thuận An, Thừa Thiên - Huế), cho biết: Gia đình đăng ký vay 500 triệu đồng để đóng tàu mới công suất 500CV. Thế nhưng, qua nhiều cấp ngành, tốn không biết bao nhiêu thời gian nhưng đến nay vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn. Chính vì vậy đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ có 1 trường hợp được vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 với trị giá 2,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhiều ngư dân ở Quảng Trị phản ánh đến nay vẫn chưa được các cấp hướng dẫn cụ thể về quy trình hoàn thiện thủ tục hồ sơ vay vốn. Đáng nói hơn, thông tin về đơn vị cấp phát hồ sơ, ngân hàng cho vay vốn... còn rất mù mờ.
Ông Trần Văn Việt, Trưởng phòng Quản lý tàu cá (Chi cục Khai thác - bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam), nhận định: Khó khăn hiện nay là các thủ tục kiểm tra, đăng kiểm quá rườm rà, mất nhiều thời gian. Để có thể đóng mới tàu có công suất từ 400CV trở lên, đòi hỏi phải có thiết kế. Do đó, các cơ sở đóng mới tàu cá phải thuê kỹ sư thiết kế mẫu tàu rồi gửi đến Chi cục Khai thác - bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam phê duyệt. Từ đây, hồ sơ thiết kế mẫu tàu phải được gửi ra Bộ NN-PTNT kiểm tra, phê duyệt lần nữa nên càng mất thời gian, có khi phải chờ đợi đến vài ba tháng. Không chỉ vậy, việc thẩm định, kiểm tra các công đoạn như phóng dạng tàu cá, bung sườn, dựng sườn, phủ bì, kiểm tra máy, lắp đặt máy, kiểm tra hoàn thiện, hạ thủy tàu cá, chạy thử khiến tốn khá nhiều thời gian.
Để gỡ “nút thắt“ này, theo ông Việt, các bộ, ngành Trung ương cần đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, rút ngắn các công đoạn phê duyệt thiết kế, giám sát, thẩm định để việc đóng tàu theo Nghị định 67 được “trôi chảy” hơn. Cần có chính sách hỗ trợ chi phí cho việc thiết kế và giám sát đóng tàu cho ngư dân miền Trung, bởi đa số bà con ngư dân ở đây còn nhiều khó khăn, luôn đối diện hiểm họa do thiên tai, bão lũ.
NGUYỄN HÙNG - VĂN THẮNG