Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương về xây dựng kế hoạch phát triển chuỗi điểm bán hàng Việt giai đoạn 2014-2020, nhằm nâng cao năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN) và hàng hóa Việt Nam, triển khai đề án “Phát triển thị trường trong nước” gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vào đầu năm 2016, TPHCM đã khai trương điểm bán hàng Việt đầu tiên, đặt tại số 13 chung cư Đoàn Văn Bơ, quận 4, do Công ty TNHH San Hà làm chủ đầu tư.
Điểm bán hàng Việt Nam ở chung cư Đoàn Văn Bơ, quận 4. Ảnh: THÀNH TRÍ
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, cho biết với tiêu chí điểm bán hàng Việt đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm (ATTP) nhằm tạo niềm tin đối với người tiêu dùng trong việc hưởng ứng và sử dụng hàng Việt, thời gian qua, công ty đã chủ động cơ cấu các sản phẩm để ngày càng đa dạng, phong phú, đồng thời cung ứng thêm các mặt hàng mới, chất lượng, giá cả tốt như gà thảo mộc, gà hương thảo, gà tre, vịt trời… San Hà cũng tăng cường nhóm các mặt hàng bình ổn thị trường (BOTT), hàng hóa của các đơn vị có uy tín, nguồn gốc rõ ràng với hơn 100 sản phẩm các loại. Doanh thu tại cửa hàng cũng cải thiện tốt, tăng gấp 5-6 lần so với hồi mới khai trương, đạt bình quân từ 12-18 triệu đồng/ngày.
Tuy nhiên, tính đến nay, TPHCM vẫn chưa mở thêm được những điểm bán mới vì nhiều nguyên nhân, trong đó lý do quan trọng nhất là các DN đang bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt trong việc tìm kiếm những mặt bằng phù hợp với tiêu chí kinh doanh. Trong khi đó, cửa hàng chỉ bán hàng thực phẩm nên lãi gộp rất ít và rất cần sự chung tay, góp sức của Nhà nước, thông qua việc rà soát các mặt bằng hiện hữu, từ đó ưu tiên cho DN thuê lại để mở điểm bán. Về phía Sở Công thương cũng cho rằng, cần sự hỗ trợ ban đầu về vốn được trích từ đề án “Phát triển thị trường trong nước” làm lực đẩy mới có thể khuyến khích các DN tham gia phát triển điểm bán, ngược lại nếu để DN tự bơi thì sẽ rất khó.
Theo quan điểm của Sở Công thương, việc khai trương điểm bán hàng Việt, ngoài việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, TPHCM cũng xác định, đây sẽ chuỗi cửa hàng triển khai song song với yêu cầu phát triển chuỗi hệ thống phân phối hàng hóa BOTT gồm các loại hình chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng đại lý, cửa hàng liên kết giữa DN BOTT và các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thành niên…
Từ điều kiện thực tế của TPHCM, Sở Công thương đã đề xuất xây dựng mô hình thí điểm điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn nhằm đáp ứng 3 yêu cầu: kinh doanh 100% hàng Việt Nam; là địa điểm bán hàng BOTT; là địa điểm bán các mặt hàng thực phẩm an toàn được sản xuất, nuôi trồng theo các quy trình quản lý chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP… Do vậy, việc hình thành thí điểm điểm bán hàng Việt tại quận 4, sẽ góp phần bổ sung vào chuỗi địa điểm hơn 10.000 điểm bán hàng BOTT và 308 địa điểm bán hàng đạt chuẩn thực phẩm an toàn của thành phố, tạo thêm nhiều cơ hội và lựa chọn mua sắm hàng hóa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định cung cầu hàng hóa và giá cả thị trường trên địa bàn quận 4.
Theo Bộ Công thương, tính đến nay cả nước đã xây dựng được hơn 40 điểm bán hàng Việt. Bộ Công thương khuyến khích mỗi tỉnh, thành xây dựng ít nhất 1 điểm bán, vì đây là mô hình lý tưởng để hàng hóa trong nước; đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu có thể tiếp cận tốt nhất với cộng đồng, người tiêu dùng. Tuy nhiên, để phát triển chuỗi cửa hàng, rất cần sự góp sức của lãnh đạo địa phương và quan trọng nhất vẫn là sự chủ động vào cuộc của các DN. Bộ Công thương đang tiến hành rà soát lại hoạt động của các cửa hàng, từ đó đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ DN phát triển và nhân rộng các điểm bán hàng Việt trên toàn quốc.
Uyển Chi