Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Khó truy cứu trách nhiệm hình sự?

Khó tìm ra lợi nhuận của người vi phạm
Khó truy cứu trách nhiệm hình sự?

Ngày 20-4 vừa qua được Chính phủ công nhận là Ngày Thương hiệu Việt Nam, nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu Việt. Trong xu thế hội nhập thế giới hiện nay, Nhà nước đang tích cực đẩy mạnh việc bảo hộ thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp (SHCN). Tuy nhiên, việc hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền SHCN dường như đi ngược lại xu thế đó.

Khó tìm ra lợi nhuận của người vi phạm

Khó truy cứu trách nhiệm hình sự? ảnh 1

Xửa lý hàng vi phạm sở hữu công nghiệp tại Huế.

Bộ luật Hình sự năm 1999 (BLHS) có 2 điều khoản cơ bản trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156, BLHS) và hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 171, BLHS). Tuy nhiên, cơ quan chức năng trong suốt thời gian dài, không biết phải xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo điều khoản nào vì theo quy định pháp luật, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu cũng là một loại hàng giả.

Để thống nhất cách hiểu, ngày 29-2-2008 Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp đã phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP, chuyển toàn bộ hành vi sản xuất, buôn bán và sử dụng bất hợp pháp quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) để truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 171 BLHS. Đây là một sự phân định cần thiết và tích cực nhằm hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền SHCN.

Tuy nhiên, theo quy định mới tại thông tư này, “gây hậu quả nghiêm trọng” là dấu hiệu bắt buộc, nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền SHCN còn khó khăn hơn trước rất nhiều. Đơn cử như quy định tại mục 2.1, Thông tư liên tịch 01 thì yếu tố “gây hậu quả nghiêm trọng” dựa trên các trường hợp: đã thu được lợi nhuận từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng; hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng.

Trong thực tế, việc chứng minh lợi nhuận của người có hành vi xâm phạm quyền SHCN là khó khả thi vì những đối tượng này thường không sử dụng giấy tờ, sổ sách chứng minh lợi nhuận (trừ những trường hợp do công an kinh tế hoặc cơ quan điều tra tiến hành theo thủ tục tố tụng hình sự). Khi kiểm tra theo thủ tục hành chính, những loại giấy tờ này cũng thường bị bỏ qua. Ngoài ra, việc chứng minh lợi nhuận cũng khó khăn do khó xác định chênh lệch giữa thực mua và thực bán.

Định giá hàng hóa vi phạm - kẻ sản xuất “ít tội” hơn người bán?

Thực ra, thời gian qua có rất ít vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền SHCN về nhãn hiệu tại tòa dân sự. Như vậy, khả năng duy nhất là xác định giá trị hàng hóa giả mạo nhãn hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, khi áp dụng Điều 171 BLHS thì các cơ quan chức năng lại phải viện dẫn quy định của Nghị định 105/CP/2006 ngày 22-9-2006 của Chính phủ để xác định giá trị hàng hóa vi phạm. Theo Điều 28, Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 thì “giá làm căn cứ xử phạt là giá do người bán niêm yết hoặc thực bán. Nếu trường hợp phát hiện hàng giả tại nơi sản xuất thì giá được xác định là giá thành của sản phẩm” - điều này là bất hợp lý.

Ví dụ như: giá nhập một đôi giày giả mạo nhãn hiệu NIKE là 88.000 đồng nhưng khi bị bắt giữ 200 đôi giày, họ chỉ khai bán 50.000 một đôi. Giá trị lô hàng lúc này được xác định là 10 triệu đồng theo hướng dẫn tại Nghị định 105. Về cơ bản, giá thành sản phẩm bao giờ cũng thấp hơn giá bán sản phẩm trên thị trường. Do vậy, cũng trong trường hợp trên nếu số giày trên bị bắt quả tang vi phạm tại một cơ sở sản xuất tại TPHCM, chi phí sản xuất cho một đôi giày không đến 40.000 đồng. Như vậy giá trị lô hàng chỉ là 8 triệu đồng. Rõ ràng, người sản xuất hàng giả bao giờ cũng chịu trách nhiệm nhẹ hơn người buôn bán, kinh doanh hàng giả. Đây là điều quá bất hợp lý vì những đối tượng này phải chịu sự chế tài cao hơn do tính chất nguy hiểm của hành vi.

Nếu như trước đây, Điều 156 BLHS quy định “người nào sản xuất, kinh doanh hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng… thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm”. Như vậy, ở ví dụ trên, nếu tính theo BLHS thì người này phải chịu trách nhiệm hình sự (hàng hóa vi phạm trị giá 160 triệu đồng, tính theo giá thấp nhất của hàng thật là 800.000 đồng/đôi), tuy nhiên, theo Thông tư liên tịch 01 thì hiện nay, loại hành vi này được truy tố theo Điều 171 BLHS và giá trị hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được nâng lên mức từ 50 triệu đồng. Như vậy, phải bắt hơn 1.250 đôi giày thì mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự được. Đó là chưa tính đến việc hàng hóa giả mạo được xuất nhập lậu, hàng hóa đang trên đường vận chuyển không có hóa đơn chứng từ thì xác định giá như thế nào bởi không ai dại gì khai giá cao.

Dẫu biết rằng việc sửa đổi thông tư liên tịch vừa mới ban hành là điều khó có thể thực hiện. Tuy nhiên, nếu thông tư không thực hiện được thì sẽ gây tác dụng ngược, vừa tạo điều kiện cho tội phạm gia tăng, vừa gây ức chế cho cán bộ thực thi và chủ nhãn hiệu. Ngoài ra, cần phải thấy rằng việc áp dụng cách xác định giá trị dựa trên giá của hàng giả mạo nhãn hiệu theo Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 của Chính phủ là bất hợp lý, không có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Nhựt Phan

Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương:
Sẽ kiểm soát kỹ hàng nhập khẩu của cư dân biên giới

Đã đến lúc cần có những biện pháp cụ thể và phù hợp trong việc kiểm soát hàng nhập khẩu từ các đường chính ngạch, tiểu ngạch, buôn bán của cư dân biên giới đồng thời với tổ chức tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu qua biên giới, đường hàng không và cảng biển. Song song với những biện pháp trên, cũng cần củng cố và phân công trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan hữu quan trong quản lý xuất nhập khẩu qua biên giới. Làm được việc này sẽ giúp công tác ngăn chặn hàng lậu (hoặc thực phẩm kém chất lượng) vào Việt Nam đạt nhiều hiệu quả.

A. Trinh

Tin cùng chuyên mục