Song, nhìn lại thực tế tuyển dụng và đãi ngộ giáo viên thời gian qua, có thể thấy đây là vấn đề đã tồn tại lâu nay của ngành giáo dục.
Lời mời gọi hấp dẫn từ trường tư
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong 8 cán bộ, giáo viên vừa xin chuyển công tác nói trên đã quyết định từ bỏ hơn 10 năm gắn bó ổn định với trường học cũ, chấp nhận xây dựng lại sự nghiệp với nhiều thử thách, áp lực tại một trường tư vừa triển khai bậc tiểu học trong năm học này (trước đó, trường tư này chỉ hoạt động ở bậc mầm non - PV). Nguyên nhân theo cô giáo này chia sẻ là do nhận được lời mời với mức lương hấp dẫn, đòi hỏi công việc tuy nặng nề, nhưng ngược lại cô được trao quyền chủ động nhiều hơn.
“Lãnh đạo đơn vị mới khuyến khích chúng tôi tìm tòi, thử nghiệm nhiều phương pháp giảng dạy mới, chỉ cần vẫn đáp ứng yêu cầu cơ bản của chương trình và phù hợp với số đông học sinh”, cô cho biết. Cũng theo cô giáo này chia sẻ, mức lương ở đơn vị mới cao gấp 2 lần thu nhập ở trường cũ, chưa kể các khoản tiền thưởng, tăng thêm thu nhập cuối năm. Do trường tư không áp dụng hệ tiêu chuẩn đánh giá giáo viên như ở trường công, nên thu nhập không cào bằng theo số năm công tác, mà tương ứng với tổng điểm đánh giá, tích hợp từ các chỉ số đo sự hài lòng của phụ huynh, kết quả học tập trung bình của học sinh, đánh giá chuyên môn của ban giám hiệu qua các tiết dự giờ… để trả lương cho giáo viên.
Ở góc độ khác, một nhóm giáo viên sau khi ra trường vừa về công tác ở trường công từ 2 - 3 năm cũng quyết định từ bỏ môi trường làm việc với thu nhập ổn định, công việc nhàn, để thử sức ở một đơn vị ngoài công lập với yêu cầu công việc và áp lực cao hơn. Thầy N.T.M., một giáo viên vừa “bỏ công, theo tư” cho biết: “Người ngoài không hiểu sẽ nghĩ làm việc ở trường tư sướng lắm. Song trên thực tế, chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn, áp lực đào thải rất lớn. Ở trường tư, giáo viên vừa là thầy trên lớp, đồng thời phải là bạn, là anh, chị của học sinh khi các em về nhà. Trường học hoạt động theo mô hình cung ứng dịch vụ nên phụ huynh bỏ tiền ra cũng đòi hỏi yêu cầu tương xứng. Nhưng được cái là mọi thứ đều sòng phẳng, công khai, nên giáo viên cũng dễ làm việc”.
Ngành giáo dục nỗ lực giữ chân giáo viên
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết việc giáo viên chuyển đổi công tác từ trường công qua trường tư là xu hướng bình thường, nhiều nước trên thế giới cũng xảy ra tình trạng đó. “Đó là quyền lựa chọn của người lao động, ngành chức năng không thể can thiệp. Trước mắt, để giữ chân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các trường công lập, TPHCM đã áp dụng nhiều chính sách thu hút như tuyển dụng giáo viên không có hộ khẩu TP, quy định thêm các mức hỗ trợ thu nhập giáo viên mới ra trường, giáo viên mầm non giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi…”.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều cán bộ quản lý giáo dục, mặc dù TP đã có nhiều chế độ, chính sách thu hút giáo viên, nhưng nhìn chung mặt bằng thu nhập của giáo viên ở trường công vẫn chưa cạnh tranh nổi với trường tư. Trong đó, mô hình trường tiên tiến, hiện đại, hội nhập khu vực và quốc tế (mức thu học phí cao hơn các trường công bình thường khác, là một trong những nỗ lực của TP trong việc tăng thêm tính tự chủ cho các đơn vị, qua đó góp phần cải thiện đời sống giáo viên) mặc dù đang triển khai nhưng tốc độ rất chậm, do vướng phải áp lực về sĩ số và sự chưa đồng tình của số đông phụ huynh.
Qua đó cho thấy, làm sao để thu hút và giữ chân giáo viên giỏi vẫn là bài toán khó đặt ra cho ngành giáo dục. Trong khi chờ đợi những đổi mới căn cơ hơn về chất lượng đào tạo cũng như tính toán, phân bổ lại nhân sự từ cơ quan chủ quản ngành giáo dục, các trường công cần quan tâm đầu tư hơn nữa trong việc xây dựng hình ảnh để thu hút người học, tạo niềm tin trong cộng đồng.