Nhiều hộ dân tại xã Kon Đào (huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) và xã Trạm Hành (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đang khổ sở vì các nhà máy đóng chân trên địa bàn xả thải gây ô nhiễm.
Ở nhà cũng đeo khẩu trang
Hai năm trước, gia đình anh Huỳnh Văn Linh đến thôn 6, xã Kon Đào mua đất để định cư. Cũng từ đó, gia đình anh luôn sống trong cực hình khi ngày đêm hứng chịu mùi hôi thối do nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH Hiệp Hưng gây ra. Có mặt tại nhà anh, cửa trước và cửa sổ đóng chặt, dù ngồi trong nhà nhưng anh vẫn đeo khẩu trang. “Phải có khẩu trang chứ hôi quá không chịu nổi. Nhiều bữa ngửi mà muốn nôn ói. Nếu tình hình này không được khắc phục, chắc tôi phải bán nhà đi nơi khác”, anh Linh nói. Còn theo ông Ngô Ngọc Bình, Trưởng thôn 6, xã Kon Đào, nhà máy này gây ô nhiễm đã 5 năm. Thôn có gần 170 hộ thì các hộ này đều bị ảnh hưởng. Mỗi khi có gió lớn thì mùi hôi lan khắp cả xã, ai cũng “kêu trời”, nhiều trẻ em trong thôn mắc các bệnh hô hấp, đặc biệt là viêm xoang. Thôn đã nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm lên cấp trên nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Ông Phạm Ngọc Cảnh, Trưởng phòng TN-MT huyện Đắk Tô, cho biết, đơn vị nhiều lần đến kiểm tra và nhận thấy có ô nhiễm. Đầu tháng 7-2015, Sở TN-MT phối hợp với Phòng TN-MT huyện Đắk Tô, UBND xã Kon Đào kiểm tra thực tế tại nhà máy này. Kết quả cho thấy, công ty chủ quản đã không thực hiện đúng các nội dung của bản báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đoàn cũng yêu cầu công ty thực hiện các biện pháp để hạn chế mùi hôi như khu vực tập kết mủ tạp phải xây dựng nhà kho kín, tăng cường phun chế phẩm vi sinh khử mùi, bịt kín lỗ thông tại bể thu gom nước thải… Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra mới đây, ngành chức năng phát hiện Công ty TNHH Hiệp Hưng vẫn chưa thực hiện đúng theo yêu cầu.
Hồ thủy lợi đặc quánh tảo lam
Theo phản ánh của người dân sống quanh khu vực hồ Phát Chi (xã Trạm Hành, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), khoảng 3 tháng trở lại đây, mỗi khi trời mưa hoặc buổi tối là Công ty CP Thực phẩm Lâm Đồng lại xả nước thải vào hồ thủy lợi. Hiện nước trong hồ bốc mùi hôi nồng nặc, tảo lam xuất hiện ngày càng dày. Đây là nguồn nước duy nhất mà bà con dùng tưới rau, hoa, trà. Vì vậy, lấy nước từ hồ về tưới thì xảy ra tình trạng nấm xuất hiện với mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng tới mùa vụ và cuộc sống của nhân dân. Anh Mã Đức Bổn (ngụ thôn Phát Chi, xã Trạm Hành), cho biết: “Tuần trước, trong lúc trời mưa, tôi phát hiện Công ty CP Thực phẩm Lâm Đồng xả nước thải đen ngòm, đặc quánh xuống hồ. Hơn 7.000m² atiso của gia đình sau khi tưới nước hồ đã bị nấm, có phun thuốc thế nào cũng không hết được”.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Trung tâm Quản lý Đầu tư và Khai thác công trình thủy lợi Đà Lạt, cho biết, hồ Phát Chi phục vụ tưới tiêu cho khoảng 150ha trà ô long, rau, hoa công nghệ cao tại xã Trạm Hành. Trong tương lai, hồ Phát Chi sẽ là nơi cung cấp nước cho nhà máy nước sạch, phục vụ người dân hai xã Trạm Hành và Xuân Trường. Hiện xung quanh khu vực chỉ có nhà máy của Công ty CP Thực phẩm Lâm Đồng hoạt động, còn nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm kể trên phải đợi cơ quan chức năng kiểm tra mới biết được. Trong khi đó, ông Phạm Văn Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Lâm Đồng, cho rằng, công ty được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép xả thải (lưu lượng lớn nhất
300m³/ngày, có giới hạn về thông số, nồng độ chất ô nhiễm) vào mương nước tại thôn Phát Chi.
Trước phản ánh của người dân, ngày 28-10, đoàn liên ngành do Sở TN-MT Lâm Đồng chủ trì, đã kiểm tra thực trạng và nguyên nhân gây ô nhiễm hồ Phát Chi để có hướng xử lý.
VÕ PHÚC - ĐOÀN KIÊN