Khổ vì sai số

Việc dự án Luật Thống kê (sửa đổi) được rút khỏi chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khiến nhiều nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách “lấy làm tiếc”. Bởi lẽ chuẩn hóa số liệu thống kê được coi là một yêu cầu bức thiết, không chỉ đối với công tác quản lý vĩ mô, mà còn có tác động rất lớn đến từng ngành, từng địa phương, cũng như công tác xây dựng chiến lược quản trị kinh doanh của từng doanh nghiệp... Theo tác giả Lê Hồng Giang và Nguyễn Trí Dũng trong ấn phẩm “Báo cáo kinh tế vĩ mô 2014” được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát hành, nhiều số liệu thống kê hiện nay đã được công khai, nhưng không khỏi khiến người ta băn khoăn; nhất là khi phân tích theo chuỗi.

Đơn cử, GDP năm 2012 công bố ban đầu tăng 5,02% nhưng sau đó, khi tính lại thì đã tăng 5,23% mà lý do thì chưa thuyết phục. GDP từ năm 2009 đến 2013 đột ngột được tính tăng lên, đặc biệt nhóm ngành hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm mỗi năm được tính tăng lên đều đặn so với số cũ 309%. Giá trị sản xuất của hoạt động ngân hàng thường bao gồm doanh thu từ các dịch vụ trực tiếp, lợi nhuận từ hoạt động tín dụng và phần chi thường xuyên của Ngân hàng Nhà nước, vậy ngành ngân hàng được tính tăng lên trên 309% là cho các hoạt động nào - các tác giả nêu trên đặt câu hỏi. “Tổng sản phẩm trong nước bằng tổng giá trị tăng thêm của tất cả các ngành kinh tế cộng với thuế nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ” nhưng trong nội dung số liệu công bố lại cho thấy tổng giá trị tăng thêm các ngành kinh tế đúng bằng với GDP. Như vậy thì “thuế nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ” được tính vào đâu? Một khi số liệu đầu vào không chính xác thì việc hoạch định các chính sách vĩ mô (căn cứ vào thông số đầu vào đó) dĩ nhiên cũng không thể đúng và trúng.

Các doanh nghiệp cũng là những “nạn nhân” của số liệu cong, vênh. Và số liệu không chính xác cũng không phải chỉ đến từ nguồn tin trong nước. Theo nguồn tin từ Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), trong số 48 dự án điện gió đã đăng ký triển khai, với tổng công suất đăng ký lên đến 4.876MW đến nay mới chỉ có 3 dự án đi vào hoạt động, còn lại hầu hết bị hủy bỏ hoặc “đóng băng”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đổ bể của các dự án điện gió là do tiềm năng thực tế của Việt Nam không cao như dự kiến. Năm 2001, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố một nghiên cứu cho rằng, Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió rất lớn, tương đương 513.360 MW, tức là gấp hơn 200 lần công suất nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện năm 2020 (?). Tuy nhiên, sau quá trình khảo sát kỹ càng, tiềm năng điện gió của Việt Nam chỉ bằng chưa tới 2% so với con số đã nêu. Tất nhiên, giá bán điện cũng là một trở ngại, nhưng đó là một vấn đề khác.

Nếu không sợ khập khiễng, có thể nói rằng, câu chuyện số liệu đầu vào và sản phẩm (chính sách, chiến lược) giống như “có bột mới gột nên hồ”. Bột hư, hồ không thể kết dính - kết luận này không có gì phải tranh cãi. Vì thế, một mặt cần phải đảm bảo nguồn số liệu thống kê gần nhất với sự thật (mà sửa đổi Luật Thống kê là một yêu cầu quan trọng); mặt khác, sự tỉnh táo khi phân tích số liệu luôn luôn là yêu cầu không thể thiếu.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục