Khổ vì trường xuống cấp

Thật khó có thể tin được, một ngôi trường không phải ở vùng xa xôi, hẻo lánh, nằm ngay giữa đồng bằng, nhưng lại xập xệ quá mức. Mặc dù trường xuống cấp nặng, nhưng ngày ngày hàng chục giáo viên và 516 em học sinh vẫn phải chịu đựng trong những căn phòng đã xây dựng từ năm 1964. Đó là thực tế ở Trường Tiểu học xã Diễn Trường (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).
Khổ vì trường xuống cấp

Thật khó có thể tin được, một ngôi trường không phải ở vùng xa xôi, hẻo lánh, nằm ngay giữa đồng bằng, nhưng lại xập xệ quá mức. Mặc dù trường xuống cấp nặng, nhưng ngày ngày hàng chục giáo viên và 516 em học sinh vẫn phải chịu đựng trong những căn phòng đã xây dựng từ năm 1964. Đó là thực tế ở Trường Tiểu học xã Diễn Trường (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).

Vừa mới vào sân trường, cô Hoàng Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Diễn Trường nửa đùa nửa thật: “Anh em vẫn tìm được vào đây à. Có người đến liên hệ công việc, đứng bên ngoài nhìn vào tưởng đây là cái nhà kho của hợp tác xã hồi xưa nên không dám vào đấy”.

Trường Tiểu học Diễn Trường được xây theo hệ nhà cấp bốn, gồm 4 dãy, với tổng số 24 phòng học, trong đó có 3 dãy phòng được xây dựng từ năm 1964 và 1 dãy “mới” nhất cũng đã hơn 20 năm. Theo quan sát của chúng tôi, phía trên mái phòng học, các thanh rui mè bị mục nát nhiều nơi, xà nhà cũ kỹ, xuất hiện các điểm mối mọt; các bức tường trát bằng vôi giờ đã bong tróc loang lổ để lộ lớp gạch mộc bên trong; hệ thống cánh cửa của các phòng học xộc xệch, nhiều cánh bị cong, nứt ván không thể đóng kín được; hệ thống cửa sổ lung lay, song thưa và gãy nhiều nên học sinh có thể chui ra chui vào trong giờ ra chơi…

Trường Tiểu học Diễn Trường trông như cái nhà kho, được xây dựng từ năm 1964.

Cô Hoàng Thị Vân cho biết, vào mùa hè, do trần nhà của các phòng học đã quá cũ nên khi lắp quạt trần thì phải chọn chỗ nào chắc mới dám lắp vào. Vì quạt một nơi học sinh ngồi một nơi nên các em vẫn bị nóng, vì thế năm học vừa qua nhà trường phải cho lắp thêm quạt đóng bên tường. Vào mùa mưa bão thì học sinh còn khổ hơn vì phòng học bị dột, cửa sổ hở nên gió lùa vào trong buốt lạnh.

Ngay cả việc lắp hệ thống điện ngầm để đảm bảo an toàn cũng khó thực hiện vì tường gạch đã bong tróc. Vì điện được mắc kiểu tạm bợ nên mùa hè thì quạt không đủ mát, còn mùa đông không đủ ánh sáng cho các em học. Do kinh phí hạn hẹp nên ban giám hiệu nhà trường cũng chỉ khắc phục, sửa chữa những chỗ hư hỏng nhỏ như đảo lại ngói ở những nơi bị vỡ quá nhiều, cho trám xi măng ở những chỗ tường bị lủng lỗ, bong tróc thành mảng…

Hiện tại, Trường Tiểu học Diễn Trường có 516 em học sinh, được phân bổ thành 18 lớp học. Hàng năm trường có số học sinh đạt học sinh giỏi cao so với mặt bằng chung của huyện Diễn Châu. Năm học 2004 - 2005, trường đã đạt chuẩn quốc gia, nhưng cho “nợ” một số tiêu chí về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, mấy năm sau, các tiêu chí về dạy và học; khuôn viên, vườn hoa cây cảnh, hệ thống sân tập thể dục… vẫn được đảm bảo thì tiêu chí về cơ sở vật chất vẫn “án binh bất động”. Vì không đảm bảo tiêu chí này nên 2 năm qua trường bị Phòng GD-ĐT huyện Diễn Châu cắt đơn vị tiên tiến.

Năm 2006, chính quyền xã đã cho tu sửa lại Trường Tiểu học Diễn Trường, nhưng rồi nó vẫn tiếp tục xuống cấp vì cái “cốt” của trường đã quá cũ.

Ông Hoàng Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Trường, cho biết, do xã này thuộc diện khó khăn nên muốn xây mới trường phải có kinh phí từ cấp trên. Địa phương cũng đã làm thủ tục xin vốn kiên cố hóa trường học, nhưng vì có Nghị quyết 11 về tạm dừng xây dựng, đầu tư công nên vẫn chưa xin được. Trong khi chờ được xây mới, kiên cố trường lớp thì học sinh và giáo viên của trường này vẫn phải chấp nhận dạy và học trong lo lắng, nhất là mùa mưa bão.

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục