Khóc ròng nhìn mía khô đồng

Hai bên đường trải dài những cánh đồng mía đến kỳ thu hoạch, thậm chí khô héo nhưng không có người mua. Nông dân trồng mía phải chạy kiếm nơi tiêu thụ với giá rẻ mạt. Vì nếu không, những nông dân này cũng phải chặt mía để cho... bò ăn.
Mía khô héo, ngã rạp ngoài đồng vẫn không ai đến mua. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Mía khô héo, ngã rạp ngoài đồng vẫn không ai đến mua. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Ông Nguyễn Thanh Trang, ở Đội 8, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, gia đình ông trồng 600m² cây mía, thu hoạch khoảng 6 tấn, nhưng đến nay đã quá lứa hơn 2 tháng, vẫn không có ai đến mua.

“Mỗi sào mía, tính cả giống, công chăm sóc gần 3 triệu, tôi nghe giá mía ép nước những tháng đầu vụ đến 2 triệu/tấn, nhưng giờ gọi điện cho thương lái đến mua về ép nước mía bán cũng không ai đến mua”, ông Trang buồn rầu.

Cùng hoàn cảnh, bà Võ Thị Bé, trồng 500m² mía, thu hoạch gần 4 tấn, nhưng đến nay, mía đã ngã rạp ngoài đồng, già cỗi, khô héo. Bà Võ Thị Bé nói: “Tôi đi khắp nơi, năn nỉ họ mua, nhưng không ai đến, mía ngoài đồng đã già luôn, ngay cả cơ sở ép đường cũng không mua, thậm chí giá hạ đến 700 nghìn đồng/tấn, người dân chịu lỗ vốn luôn”.

Đây là mùa mía trái vụ, người dân xã Bình Trung trồng chủ yếu bán cho thương lái mua ép nước mía. Người dân đã trồng mía ép nước nhiều năm nay nhưng chưa có năm nào bị thương lái bỏ nhiều như năm nay. 

Theo ông Nguyễn Thanh Trang: “Lượng tiêu thụ của cây mía ép nước chủ yếu là ngoài miền Bắc, năm nay mưa lụt, miền Bắc cũng có nhiều nơi trồng mía nên họ không thu mua, để lâu thì mía bị sâu đục, cây mía xấu, đến nỗi cơ sở ép đường họ cũng không mua”.

Ông Nguyễn Ân, trồng đến 2.000m² mía, thu gần 16 tấn, nói: “Tôi bắt đầu trồng mía hồi tháng 12, thời tiết bất lợi nên mía bị sâu đục nhiều, tôi kêu thương lái tới mua thì họ không mua, bây giờ phải phá đi để trồng cây khác cho kịp vụ mới”.
Khóc ròng nhìn mía khô đồng ảnh 1 Giống mía QD dù năng suất cao nhưng dễ bị sâu đục. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Ông Trịnh Phú Định, Chủ tịch UBND xã Bình Trung, cho biết: “Mía ép nước của Bình Trung chủ yếu là cung ứng ngoài miền Bắc, năm nay, ngoài kia người dân cũng trồng nhiều, nên tư thương bỏ mua trong này. Theo điều tra của xã, giống người dân sử dụng chủ yếu là QD, trong số 3ha mía bỏ ngoài đồng thì chủ yếu là giống QD không bán được. Giống này mặc dù cho năng suất sản lượng cao nhưng dễ bị sâu bệnh dẫn đến khó thu mua hơn”.  Người dân Bình Trung trồng mía trái vụ vì mỗi năm thời điểm này, nhà nào cũng thu nhập cao 7-10 triệu/sào mía, cao hơn so với trồng mía hợp đồng cho Nhà máy. Tuy nhiên, diễn biến thất thường của thị trường đã khiến nhiều hộ dân lâm vào cảnh khốn đốn.  Ông Trịnh Phú Định cho biết thêm: “Hiện tại, chính quyền đang làm báo cáo gửi lên huyện nhờ Nhà máy đường thu mua giúp và định hướng cây trồng phù hợp cho bà con”.

Tin cùng chuyên mục