Trong tài liệu nghiên cứu mới nhất Ô nhiễm giao thông và bụi bặm liên quan chứng tự kỷ đăng trên Tạp chí Archives of General Psychology, nữ giáo sư Heither Volk tại Trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California (USC) cho biết ô nhiễm giao thông là một trong các nguyên nhân làm gia tăng đột biến số lượng trẻ tự kỷ, song song với tình trạng ô nhiễm khu vực bởi khí NO2 từ các nhà máy và loại hạt bụi lơ lửng có kích thước cực nhỏ từ 2,5 đến 10 micron.
Cuộc khảo sát của giáo sư Volk và đồng nghiệp thực hiện trên cơ sở dữ liệu của 279 trường hợp trẻ em tự kỷ và 245 hồ sơ theo dõi sức khỏe của các trẻ em khác. Kết quả cho thấy số trẻ em tự kỷ tăng lên gấp đôi khi các bà mẹ mang thai hay trẻ con dưới một tuổi sống gần trục lộ giao thông trong cự ly 300 mét do việc tiếp xúc trực tiếp nguồn ô nhiễm từ đó. Kết quả này tăng cao hơn khi mật độ giao thông đông đúc, hướng gió thổi trực tiếp, khoảng cách nơi ở gần với trục lộ, và hàm lượng các nguồn ô nhiễm khác tăng cao trong khu vực.
Cho tới nay người ta chưa biết bằng cách nào các thành phần ô nhiễm không khí tác động lên các gien gây hội chứng tự kỷ. Nhưng những nghiên cứu đều kết luận rằng ô nhiễm giao thông là nguồn viêm nhiễm quan trọng, gây nên áp lực oxy hóa rất mạnh tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển. Việc giảm thiểu ô nhiễm giao thông đòi hỏi những giải pháp tổng hợp giữa kiến trúc mặt đường, cấu trúc xe cộ và loại nhiên liệu sử dụng.
Hoàng Xuân Phương