Khởi công xây dựng Bệnh viện Nhi đồng TPHCM

* Tổng Công ty Ba Son đóng mới thành công 2 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya(SGGP). - Sáng 6-12, UBND TPHCM đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Bệnh viện Nhi đồng TPHCM (tại xã Tân Kiên và Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TPHCM). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tham dự lễ khởi công.

* Tổng Công ty Ba Son đóng mới thành công 2 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya

(SGGP). - Sáng 6-12, UBND TPHCM đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Bệnh viện Nhi đồng TPHCM (tại xã Tân Kiên và Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TPHCM). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tham dự lễ khởi công.

Bệnh viện Nhi đồng TPHCM có quy mô 1 tầng hầm, 8 tầng cao, diện tích sàn xây dựng hơn 93.000m² trên tổng diện tích khu đất 125.000m² . Dự kiến công trình sẽ xây dựng trong vòng 18 tháng và hoàn thành vào đầu năm 2016. Tổng vốn đầu tư hơn 4.476 tỷ đồng. Công trình do liên danh Tổng Công ty Xây dựng số 1 và Công ty TNHH thiết kế kiến trúc Yooil (Hàn Quốc) thực hiện… Bệnh viện Nhi đồng TPHCM có 1.000 giường bệnh, được thiết kế khu nội trú khám chữa bệnh 8 tầng với chiều cao 43,6m và các công trình phụ gồm khu lây nhiễm, khu chứa rác, khu xử lý nước thải, trạm khí y tế, trạm biến áp, các nhà bảo vệ, nhà chứa ôxy lỏng... Bệnh viện còn có bãi trực thăng, hệ thống cảnh quan, cây xanh, khu vui chơi, giải trí cho trẻ em.

Việc đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi đồng TPHCM nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến thành phố và bệnh viện tuyến cuối, cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế TPHCM nói riêng và khu vực phía Nam nói chung.

* Chiều cùng ngày, tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm và làm việc với Tổng Công ty Ba Son, Bộ Quốc phòng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thị sát, kiểm tra tiến độ đóng các tàu tên lửa Molniya - một trong những tàu tên lửa tấn công hiện đại, được đánh giá là hoàn thiện và hoạt động ổn định hàng đầu thế giới hiện nay do Viện Thiết kế hải quân Almaz - Liên bang Nga thiết kế.

Tàu tên lửa Molniya có lượng giãn nước 560 tấn, có tính năng đi biển rất cao với vận tốc tối đa gần 70km/giờ trong điều kiện tiêu chuẩn. Thời gian hoạt động trên biển là 10 ngày, cự ly hoạt động khi chạy ở tốc độ trung bình từ 1.650 - 2.400 hải lý. Tàu được thiết kế để tiêu diệt các đội hoặc nhóm tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu hộ tống và các đội tàu khác của đối phương một cách độc lập bảo vệ các tàu ngầm, tàu đổ bộ thực hiện nhiệm vụ trinh sát… Về hệ thống vũ khí, với hệ thống radar bám bắt mục tiêu hiện đại đảm bảo độ chính xác trong phát hiện và tiêu diệt mục tiêu, Molniya được lắp đặt hệ thống phóng 16 tên lửa đối hải Uran-E có tầm bắn 130km.

Để phòng thủ, tàu được trang bị pháo tự động AK-176M, có tầm bắn 15km, độ cao 11km được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên mặt nước và trên đất liền, 2 pháo 6 nòng tự động AK-630M có tầm bắn 4 - 5km và nhịp bắn 4.000 - 5.000 phát/phút. Với tính năng kỹ chiến thuật và vũ khí trên tàu tên lửa Molniya cho phép sử dụng trong tác chiến hải quân chống nhiều loại mục tiêu trên mặt nước.

Sau 10 năm chuẩn bị, cử cán bộ đi nhận chuyển giao công nghệ tại Nga và sau 4 năm thi công, với nỗ lực của hàng trăm người thợ Ba Son trong hơn 1.600 ngày đêm làm việc, 2 tàu Molniya đầu tiên mang tên HQ 377 và HQ 378 đã được nghiệm thu, trong đó có nghiệm thu bắn tên lửa và bàn giao cho Quân chủng Hải quân. Hiện các cán bộ, kỹ sư, công nhân Ba Son đang triển khai đóng cặp tàu thứ 2 và dự kiến nghiệm thu, bàn giao trong quý 2-2015. Cặp tàu thứ 3 đã được triển khai trong quý 1-2014, dự kiến bàn giao trong quý 1-2016. Bên cạnh chương trình đóng tàu Molniya, Tổng Công ty Ba Son cũng triển khai đóng các tàu tuần tra, tàu trinh sát, tàu tìm kiếm cứu nạn, tàu kéo cho Hải quân và Cảnh sát biển Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương cán bộ, chiến sĩ, công nhân, lao động Tổng Công ty Ba Son. Thủ tướng cho rằng việc đóng thành công 2 tàu tên lửa Molniya hiện đại đầu tiên là một bước trưởng thành vượt bậc của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam, là sự khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, kỹ thuật đóng tàu quân sự hiện đại.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Quốc phòng là nỗ lực thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, đặc biệt là hải quân và không quân, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và có những lĩnh vực đi thẳng vào hiện đại. “Muốn giữ gìn hòa bình, ổn định, chúng ta phải mạnh lên cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng, trong đó phải thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng, từng bước làm chủ kỹ công nghệ, kỹ thuật quân sự hiện đại”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

TẤN HIỀN - NGỌC MINH

Tin cùng chuyên mục