Khơi dậy những áng văn gắn liền cuộc sống châu thổ

Cuộc thi bút ký văn học cấp khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 4-2010 đã kết thúc bằng lễ tổng kết và trao giải (ngày 14-4) tại TP Bạc Liêu. Được tham gia ban chung khảo lần này, với tư cách người làm nghề, tôi thật sự vui, vì qua 30 tác phẩm vào chung khảo, chọn lọc từ gần 130 bài dự thi, chúng ta hiểu thêm nhiều điều về cuộc sống và văn học ở đây.

Cuộc thi bút ký văn học cấp khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 4-2010 đã kết thúc bằng lễ tổng kết và trao giải (ngày 14-4) tại TP Bạc Liêu. Được tham gia ban chung khảo lần này, với tư cách người làm nghề, tôi thật sự vui, vì qua 30 tác phẩm vào chung khảo, chọn lọc từ gần 130 bài dự thi, chúng ta hiểu thêm nhiều điều về cuộc sống và văn học ở đây.

Nhiều bài ký, trang viết sinh động, phong phú, đề cập vô vàn vấn đề sôi động đang đặt ra cho vùng đất, cũng là của quốc gia. Cả những đổi thay kỳ diệu, có khi gây bất ngờ với ngay cả những người tại chỗ. Một con đường mới xẻ dọc đồng bằng như chiếc chìa khóa mở ra tương lai cho cả một vùng đất, là ý tưởng chủ yếu của Con đường xẻ dọc một vùng quê và Những cây cầu trên đường Nam Sông Hậu. Một ngôi trường đơn sơ thuở nào, qua hơn 100 năm lịch sử đã cung cấp bao nhân tài cho đất nước, nay phát triển khang trang càng gợi bao cảm xúc trong tâm hồn một người thầy Trường xưa một thuở… bây giờ. Và trong nhiều tác phẩm khác, như Tình bần ở Cù lao Dung chẳng hạn, chúng ta cũng bắt gặp nhiều tình tiết, chi tiết phản ánh sự thay đổi sâu sắc, nhất là hiện thực hôm nay được đan cài mật thiết với những kỷ niệm hào hùng của quá khứ hôm qua.

Song cuộc sống đổi thay là ở con người. Có thể nhận ra một cái nhìn mới mang tính phát hiện về con người mới hôm nay ở nhiều cây bút. Không chỉ chú ý tới phẩm chất quen thuộc như tình yêu sâu nặng đối với đất nước, lý tưởng, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì cộng đồng, vì người khác, như trong các bút ký Bữa tiệc của cảm xúc, Người “cõi trên”, Từ Bến Tre đến Thăng Long - Hà Nội… mà ở một số tác phẩm, khi khắc họa chân dung con người mới hôm nay, còn ẩn chứa chiều sâu của số phận, như Người phu lục lộ nhân dân…

Phương pháp sử dụng dịch vụ tạo ra hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh, có vẻ như một hiện tượng bình thường, nhưng không phải ai cũng nhìn ra, thậm chí nếu bị chi phối bởi tầm nhìn ích kỷ, thì người quản lý còn gây khó dễ cho nó nữa. Chợ biển mênh mông ký là một ví dụ. Như vậy tính phát hiện chính là một nét mới trong nhiều bút ký dự thi năm nay.

Một điều nổi bật trong những bút ký dự thi lần này còn là cách phân tích sự kiện dưới góc nhìn văn hóa. Có thể đấy đang là điều bức xúc của nhiều vùng đất, mặt trái của phát triển kinh tế tạo ra những tha hóa của đạo đức, hủy hoại đối với môi trường. Một cây bút bộc lộ “tâm trạng xót xa” khi nhận ra rằng, trong cuộc sống đang chuyển động kia, con người no ấm hơn, giàu có hơn so với trước, nhưng sự đoàn kết đùm bọc yêu thương nhau như là “bửu bối dòng họ”, thì lại như phôi pha, rạn nứt. Rồi Sóng bủa Cồn Ngao, hay Triền sông hoang vắng, với bút pháp nhẹ nhàng mà sâu sắc, cũng với chủ đề tương tự. Những thông điệp mang tính cảnh báo về sự tha hóa văn hóa như thế chính là điều rất đáng suy nghĩ.

Có điều mừng là những ý tưởng và hiện thực cuộc sống đa dạng ấy được chuyển tải bằng những trang văn khá nhuần nhuyễn và giàu cảm xúc. Và trong một số tác phẩm, những cố gắng đổi mới cách thể hiện, nhằm tạo hiệu ứng mới trong tiếp nhận, cũng rất cần ghi nhận.

Vẫn còn đôi ba ý kiến chưa thỏa mãn với kết quả của cuộc thi. Có lẽ cũng là thường tình. Như mong muốn tác phẩm đạt giải cao phải thật sự là đỉnh, nổi bật và tiêu biểu, mở ra một khuynh hướng mới cho bút ký về bút pháp, giọng điệu. Mong ước ấy là chính đáng, nhưng hoàn toàn không dễ. Với văn học cả nước cũng thế chứ không riêng gì văn học đồng bằng sông Cửu Long. Sau tổng kết lại cũng có một vài thông tin thiếu chuẩn xác xuất hiện trên mặt báo. Như có tin rằng, cuộc thi bị “khiếu kiện tùm lum”, trong khi thực tế chỉ có một trường hợp khiếu nại về tác phẩm trước khi dự thi đã đăng báo, nhưng “mới chỉ là phần chính”, sau đó có sửa chữa, nâng cao mới đem dự thi. Việc ban tổ chức xem những bài như vậy thuộc dạng phạm quy là đúng và có cơ sở, vì tuy không giống nhau hoàn toàn, nhưng chủ đề, cốt lõi, tình tiết vẫn chỉ là một.

Lại có nhà báo gửi thư Ban tổ chức và cả cho tôi, báo rằng, người viết bài đoạt giải nhất đạo văn, “toàn bộ chi tiết trong bài, kể cả cái tít đều gần như copy của em hết”. Sau khi kiểm tra, Ban tổ chức cho biết, bài tác giả dự thi gửi tới Ban tổ chức ngày 25-9-2010, trong khi bài của nhà báo kia lại viết và đăng vào 30-12-2010. Chẳng lẽ người viết trước lại “copy” của người viết sau mình hơn 3 tháng? Thật phi lô-gíc và vô lối, thế mà có báo cứ đăng, làm nhiễu thêm thông tin và khiến bạn đọc hồ nghi không biết đâu là sự thật, lẽ phải!

Tôi tin chắc chắn, những chuyện lình xình rồi sẽ qua, sự thật sẽ sáng tỏ, song điều quan trọng và lớn lao ngay chính lúc này, là cần đánh giá đúng về cuộc thi, không vì một vài thông tin thiếu chuẩn xác mà phủ nhận những tích cực. Cái cần là làm sao khích lệ những tấm lòng nhiệt huyết với vùng đất giàu tiềm năng, khơi dậy mạnh mẽ những trang viết nói riêng, và sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung, ở miền đất mến yêu này.

LÊ QUANG TRANG

Tin cùng chuyên mục