Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên. Việc thực hiện quy chế đã góp phần phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, đất nước; góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, hương ước, quy ước, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng hơn. Nhiều khó khăn trong quá trình phát triển được nhân dân bàn bạc, tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả.
Điểm lại vấn đề dân chủ và thực hành dân chủ cơ sở (từ tháng 6-1997 khi Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước CHXHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh), cho thấy, đây là một vấn đề lớn được quan tâm từ trước đến nay, cả trong và ngoài Đảng. Thực tế cho thấy, nơi nào dân chủ cơ sở được quán triệt, thực hiện tốt, nơi đó có sự đoàn kết, thống nhất, phát triển kinh tế - xã hội tốt và ngược lại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng. Ảnh: TRẦN BÌNH
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có một thực tế lâu nay, nhiều nơi cứ nói là thực hiện dân chủ, nhưng thực chất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở đó vẫn mượn danh hoặc nhân danh tập thể để hợp thức hóa những quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân mình. Một số người có chức, có quyền còn quan cách, thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng.
Trong kết luận về những sai phạm trong dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG vừa mới được các cơ quan chức năng đưa ra gần đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị đều cho rằng, để dẫn đến những sai phạm trong vụ việc này, trách nhiệm đầu tiên thuộc Ban cán sự đảng đảng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) do “chấp hành không nghiêm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc…”; nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son “đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, không bàn bạc, thảo luận trong tập thể ban cán sự đảng, trực tiếp chỉ đạo và quyết định nhiều nội dung liên quan đến dự án không đúng quy định…”; Bộ trưởng Trương Minh Tuấn “đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo trong quá trình được phân công chỉ đạo thực hiện dự án…”. Hệ quả của những sai phạm “thiếu dân chủ” đó là một vụ “đại án” có quy mô, tác động xã hội lớn nhất nhì trong những năm vừa qua với một loạt án kỷ luật đã được thi hành và có thể sẽ còn nữa.
Kết quả của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong những năm qua là điều không thể phủ nhận nhưng chừng đó chưa đủ và chưa thể thỏa mãn. Từ Đại hội toàn quốc lần IX, Đảng luôn xác định đưa dân chủ là một trong những mục tiêu, từ đó ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được xác định đầy đủ hơn trong Hiến pháp năm 2013 và trong hệ thống pháp luật.
Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là trong lĩnh vực đời sống chính trị và kinh tế. Do đó, cần phải tiếp tục để việc thực hiện quy chế dân chủ và phát huy dân chủ trở thành công việc thường xuyên, liên tục, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện để chăm lo tốt hơn đời sống, lợi ích, hạnh phúc của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội… Có như vậy, mới phát huy được hết vai trò, trách nhiệm, cũng như tiềm năng và sức sáng tạo của nhân dân trong công cuộc phát triển đất nước hiện nay.