
Có lần, đọc bài “Văn hóa đọc đang bị hạ thấp” trên mạng Internet, tôi thấy chạnh lòng. Có nhiều ý kiến cho rằng, dường như giới trẻ hiện nay không mấy chú trọng đến việc đọc sách, không coi sách là một “kênh thông tin” quan trọng để thu nhận, trau dồi kiến thức mà thay vào đó là lên mạng, lướt web, check mail để giết thời gian… Chủ nhật rồi, tranh thủ dạo một vòng qua mấy nhà sách, tôi tình cờ quen được một số bạn sinh viên đi “đọc sách cọp”… Bỗng nhiên lòng thấy vui vui vì vẫn còn đó những bạn trẻ... mê sách.

Đọc tại quầy bán sách. Ảnh: LÊ VĂN SÂM
Nhà sách Thăng Long ở gần Thị Nghè vào sáng chủ nhật ồn ào hơn ngày thường, người ra kẻ vào. Những tưởng, giữa cái không khí ồn ào ấy, chẳng có ai tập trung tư tưởng mà đọc, mà học được... Thế mà bên kệ sách Kinh tế, tôi bắt gặp một bạn nam với cặp kính dày cộp, mắt dán chặt vào cuốn sách “Vì một nước Việt Nam phát triển”.
Đó là Minh- sinh viên Đại học Thủy lợi - TPHCM. Tôi hỏi: “Sao học thủy lợi mà bạn lại đọc sách đó?” Minh cười: “Mình đọc thêm vì thấy cuốn này cũng hay và bổ ích, sách chuyên ngành mình đọc khá nhiều rồi”. Đứng đọc, Minh cứ liên tục phải chuyển vị trí để nhường chỗ cho khách mua sách. Minh nháy mắt tinh nghịch: “Đọc sách cọp” thì phải chịu khó vậy thôi”. Vì trường ở gần nhà sách, nên chủ nhật nào Minh cũng tranh thủ qua nhà sách để đọc. Minh còn bật mí, đọc sách “miễn phí” phải giữ sách cẩn thận, không được trầy gáy. Nếu cứ gập sách để đọc là sẽ bị nhắc nhở ngay.
Còn Minh Phương - Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn TPHCM thì tâm sự rằng: “Mình đang tìm tài liệu để viết bài tiểu luận, đến thư viện trường mượn tài liệu cũng được nhưng mình thích tới nhà sách hơn. Ở đây, nhiều sách mới, tư liệu lại phong phú”. Ở cái thời mọi thông tin đều “search” (tìm kiếm) trên mạng, bây giờ khó mà tìm được những người còn bỏ thời gian tìm kiếm “kiến thức” ở các hiệu sách như thế. Ở nhà sách Phú Nhuận, tôi nhận ra khá nhiều bạn trẻ chọn nhà sách làm điểm “hạ cánh” mỗi khi có thời gian rảnh. “Có bạn mê sách đến nỗi, tìm thấy cuốn sách hay là kê giày, dép ngồi bệt xuống đất rồi “luyện” từ sáng đến chiều” - một nhân viên ở nhà sách “than” như vậy.
Cách đây không lâu, có dịp đi Huế, tôi được một người bạn dẫn đến nhà sách Phú Xuân - nhà sách lớn nhất ở Huế để tìm mua cuốn sách về Kiến trúc lăng tẩm. Tôi thực sự hơi bất ngờ khi thấy ở đây có khá nhiều bạn trẻ “say” đọc sách. Để tạo điều kiện cho các bạn học sinh, sinh viên đọc sách, nhà sách đã dành cả khu sân thượng rộng lớn để trang bị khá nhiều bàn giải khát với nhiều hàng ghế quanh các kệ sách để các bạn ngồi nhâm nhi cà phê vừa chọn sách đọc. Nhà sách này đã như một thư viện công cộng.
Một người bạn của tôi ở Đức kể: Hầu hết các nhà sách, siêu thị sách ở Đức đều tận dụng những không gian trống để đặt ghế ngồi cho người đọc, tạo điều kiện cho khách hàng từ già đến trẻ đọc sách. Chính vì thế mà cái “sự đọc” của người Đức đã “ăn vào máu” của nhiều người dân. Qua Đức mới thấy, người ta tận dụng thời gian một cách tối đa, từ nhà chờ xe buýt, trên xe buýt, trên tàu điện ngầm đến các ghế đá công viên... đâu đâu cũng bắt gặp người dân Đức đọc sách.
Thực tế hiện nay là vẫn còn nhiều người Việt mê đọc, mê nghiên cứu sách, nhưng sách thì phong phú mà giá cả chưa phù hợp, đặc biệt là với sinh viên. Một giáo sư người Nhật sang Việt Nam giảng dạy đã phải thốt lên rằng: một cuốn sách của Nhật giá chỉ bằng một bữa ăn sáng của sinh viên trong khi ở Việt Nam một cuốn sách giá bằng 14 - 15 lần bữa ăn sáng của sinh viên!? Một số sinh viên, học sinh nghèo thường phải “lân la” tới mấy điểm bán sách cũ, sách đại hạ giá để mua. Sách cũ cũng có nhiều tài liệu quý nhưng không thể thay thế và bắt kịp được những thay đổi nhanh chóng của cuộc sống, của khoa học?!
Gần đây, một số đơn vị đã có nhiều hoạt động để đưa sách đến với bạn đọc trẻ như : Tuần lễ sách giảm giá của các NXB, Hội sách mùa khai trường của công ty phát hành sách TPHCM. Mong rằng, ngày càng có nhiều những hoạt động thiết thực như vậy để tạo điều kiện cho các bạn trẻ đến được với sách, khai thác được nguồn trí tuệ sâu sắc và thiết thực của văn minh nhân loại.
Hà Hương