Đến dự có các đồng chí: Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, các đồng chí lãnh đạo Trung ương và TPHCM các thời kỳ…
Tiền đề đi đến thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945
Phát biểu chào mừng và khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Nên khẳng định, Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23-11-1940 là một trong những sự kiện quan trọng, để lại dấu ấn không thể phai mờ của miền Nam “thành đồng Tổ quốc”. Đây là một trong những cơ sở thực tiễn để Đảng ta đưa ra chính sách đúng đắn, dẫn dắt nhân dân đi đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, giành lấy độc lập tự do và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy chưa thành công, nhưng tinh thần đấu tranh oanh liệt và ý chí kiên cường, bất khuất, dám chấp nhận hy sinh của những người cộng sản và nhân dân Nam bộ vẫn mãi trường tồn cùng dân tộc.
Theo đồng chí, thời gian ngày càng lùi xa, đất nước ngày càng phát triển, cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín ngày càng tăng lên, thì giá trị của sự hy sinh cao cả của cả dân tộc càng được khẳng định sâu sắc, toàn diện hơn. Đã có nhiều cuộc hội thảo, sách sử ghi đậm nét, và hội thảo lần này sẽ trên tinh thần bổ sung, tôn vinh tương xứng với tầm vóc lịch sử của Khởi nghĩa Nam Kỳ.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại lịch sử hào hùng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn và tri ân những anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Đồng chí nêu một số nội dung cần làm rõ tại hội thảo, đó là Khởi nghĩa Nam Kỳ - bước chuyển quan trọng của cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam, "cuộc tập dượt lịch sử" tiến tới Cách mạng tháng Tám 1945. Khởi nghĩa Nam Kỳ - sự kiện lịch sử tỏa sáng trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam với nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trong đó có bài học quan trọng về thời cơ cách mạng: Phải dự báo chính xác về thời gian xuất hiện và hình thái lộ diện của thời cơ, chuẩn bị sẵn sàng đón thời cơ, không nóng vội khi thời cơ chưa tới.
80 năm qua, hào khí Nam Kỳ khởi nghĩa vẫn không ngừng được hun đúc và tỏa sáng qua các thế hệ, trở thành nguồn sức mạnh to lớn, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, trình bày tham luận, khẳng định, Khởi nghĩa Nam Kỳ chưa đi đến thắng lợi cuối cùng nhưng là tiền để đi đến thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Khởi nghĩa Nam Kỳ đã để lại cho cách mạng nước ta nhiều bài học về sự chủ động, sáng tạo tổ chức quần chúng đấu tranh theo con đường bạo lực cách mạng, tiến hành khởi nghĩa khi phong trào quần chúng đã lên cao; bài học về sự vận dụng thời cơ cách mạng “trăm năm có một”. Khởi nghĩa Nam kỳ còn là sự sáng tạo về nghệ thuật khởi nghĩa, thể hiện sự chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của Trung ương.
Ký ức không quên
Từ cuối năm 1939, tình hình Đông Dương dưới sự thống trị của thực dân Pháp ngày một trở nên căng thẳng, ngột ngạt. Tháng 7-1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp tại xã Tân Hương (Mỹ Tho) đã chủ trương khởi nghĩa, bầu đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư Xứ ủy và cử đồng chí Phan Đăng Lưu ra Bắc thống nhất chủ trương cùng khởi nghĩa.
Ngày 20-11-1940, đồng chí Phan Đăng Lưu vẫn chưa về, nhưng trước tình thế cấp bách, Thường vụ Xứ ủy ra lệnh khởi nghĩa vào đêm 22-11. Trưa 22-11, đồng chí Phan Đăng Lưu từ Bắc vào, mang theo chỉ thị của Trung ương hoãn cuộc khởi nghĩa. Nhưng lúc này lệnh khởi nghĩa đã phát đi, không thể hoãn được nữa. Nhân dân các nơi vẫn nhất tề đứng lên khởi nghĩa.
Khởi nghĩa đã nổ ra ở 20/21 tỉnh, thành phố Nam Kỳ, làm rung chuyển chính quyền thống trị của thực dân Pháp và tay sai, làm tan rã bộ máy cai trị của Pháp ở một số vùng nông thôn Nam Kỳ; là tiếng súng báo hiệu một cuộc khởi nghĩa toàn quốc.
Tuy không giành được thắng lợi nhưng Khởi nghĩa Nam Kỳ đã đi vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Nam bộ như bản hùng ca về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 73 tham luận khoa học của các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương; Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy ở TPHCM và các tỉnh Nam bộ; các nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu, học viện, trường đại học...
Các tham luận tại hội thảo đã tập trung làm rõ bối cảnh lịch sử, chủ trương và sự chuẩn bị cuộc khởi nghĩa của Xứ ủy và các Đảng bộ ở Nam Kỳ; làm rõ quy mô, tính chất và thành quả của cuộc khởi nghĩa. Các tham luận cũng khẳng định truyền thống bất khuất, kiên cường của nhân dân Nam Kỳ và dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đồng thời, khẳng định và làm sâu sắc hơn ý nghĩa lịch sử, đúc kết những bài học kinh nghiệm có giá trị đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.