Khôi phục “lá chắn” xanh... ven biển

Nơi rừng sinh sôi
Khôi phục “lá chắn” xanh... ven biển

Tại các tỉnh ĐBSCL, tình trạng xâm thực bờ biển diễn ra nghiêm trọng, một trong những nguyên nhân chính là do rừng phòng hộ ven biển bị tàn phá và mất dần. Song, cũng không ít trường hợp người dân nơi đây vì xem rừng như “lá chắn” cuộc sống của họ nên đã ra sức bảo vệ, từng bước khôi phục những lá chắn xanh ven biển.

Rừng phòng hộ xã Vĩnh Hải (Sóc Trăng) phát triển tốt

Nơi rừng sinh sôi

Cùng ông Thạch Bun Thol, ngụ ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng lội dọc rừng phòng hộ ven biển do cộng đồng địa phương quản lý, chúng tôi rất ấn tượng với những vạt rừng xanh thẳm trải dài xa ra biển; rừng ở đây được người dân bảo vệ và ngày càng lấn dần sinh sôi. Phía cặp bờ đa số là đước, nhiều cây đã cao hơn 10m và to hơn hai gang tay, càng ra xa phía biển thì cây mắm chiếm số lượng lớn với mật độ dày đặc.

Chỉ tay về cánh rừng phòng hộ, ông Thol nói với vẻ tự hào: “Để rừng sinh trưởng và phát triển, lấn từ bờ ra biển hơn 1,5km như hiện nay, người dân phải thay nhau ngày đêm bảo vệ. Rừng giúp giữ lại phù sa, hạn chế được sạt lở. Cũng nhờ có rừng mà các loài cá, cua, ba khía… cũng sinh sôi, tạo nguồn lợi thủy sản đáng kể để cải thiện đời sống và thu nhập cho người dân giữ rừng”.

Ông Thạch Soal, Trưởng nhóm quản lý rừng xã Vĩnh Hải cho biết, tháng 9-2009, mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển xã Vĩnh Hải được thành lập và ra mắt dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và UBND tỉnh Sóc Trăng (giao cho Sở NN-PTNT phối hợp thực hiện). Lúc đầu có 250 hộ tham gia, chia làm 6 tổ. Những người tham gia tổ đồng quản lý rừng xã Vĩnh Hải đa phần là đồng bào Khmer.

Mục đích của mô hình là cung cấp cho cộng đồng địa phương những lợi ích thông qua việc tiếp cận một cách hợp pháp và an toàn tài nguyên rừng phòng hộ. Người dân tham gia mô hình “đồng quản lý” có quyền sử dụng tài nguyên nhưng cũng có trách nhiệm bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên này.

Xây kè kết hợp với trồng rừng

Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng này, nhiều tỉnh ven biển ĐBSCL áp dụng nhiều giải pháp khác nhau để thích ứng. Hiện tại, giải pháp xây dựng kè, kết hợp với trồng lại rừng ven biển, khôi phục đai rừng tạo thành lá chắn mềm… được các địa phương tích cực triển khai. Giải pháp này cũng nhận được sự đồng thuận cao của các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế.

Từ năm 2012, tỉnh Cà Mau bắt đầu xây kè ngầm tạo bãi bảo vệ mũi Cà Mau và dần dần tình trạng sạt lở được cải thiện. Kè được thiết kế đóng hai hàng cọc cừ bê tông ly tâm cách nhau 2m (chiều ngang), cừ này cách cừ kia khoảng 15cm (chiều dài), sau đó thả đá hộc vào bên trong với cao trình khoảng +1,5m, khi sóng biển tràn qua vừa giảm năng lượng sóng vừa mang phù sa vào bên trong gây bồi. Khi bồi đến đủ cao trình hợp lý thì cây sẽ mọc tái sinh, rừng được phục hồi.

Ông Lâm Minh Thời, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình NN-PTNT Cà Mau, cho biết: “Hiện tại khu vực Đất Mũi không còn tình trạng sạt lở, cây mắm giữ phù sa đang lấn dần ra biển và đã tái sinh phía trong kè, hiện nhiều cây đã cao cả mét, phát triển tốt”.

Ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, đang thực hiện dự án chống xói lở, gây bồi, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển ở các huyện Trần Văn Thời, Ngọc Hiển… Trong đó, việc trồng lại rừng ngập mặn vừa kết hợp tạo sinh kế cho người dân sống dưới tán rừng là giải pháp cần quan tâm nhất…

Ông Lai Thanh Ẩn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, cho biết tỉnh đang triển khai kè thử nghiệm một số dạng kè có chi phí thấp như: bán kiên cố (tương tự kè tạo bãi), kè bằng cọc tre, đê mềm bằng túi Geatube. Qua đó, xem lại kè nào tối ưu nhất trong việc gây bồi, tạo bãi để trồng rừng. Theo ông Ẩn, trước những diễn biến của biến đổi khí hậu thì việc xây dựng các dạng kè khác nhau để bảo vệ đê biển là việc làm cần thiết. Nhưng biện pháp thích ứng lâu dài là trồng và khôi phục lại hệ thống rừng phòng hộ ven biển.

NGỌC CHÁNH

Tin cùng chuyên mục