Không những ngược xuôi tìm lao động đi biển, các chủ tàu thuyền ở miền Trung còn đang đối mặt với muôn vàn khó khăn khi đưa phương tiện vươn khơi vì nhiều cửa biển ở đây bị bồi lấp nghiêm trọng.
Khan hiếm lao động
Vụ cá Nam bắt đầu từ sau Tết Đinh Dậu với kỳ vọng khai thác được nhiều loại thủy hải sản nhất trong năm nhưng nhiều chủ phương tiện đánh bắt xa bờ tại miền Trung vẫn gặp khó khăn do thiếu lao động đi biển. Không tìm được bạn thuyền, nhiều tàu cá đành nằm bờ hoặc lùi chuyến biển, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất.
Tại xã Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam), nơi có gần 3.500 lao động đi biển, thế nhưng, các chủ tàu ở đây vẫn chật vật mới có thể tìm được bạn thuyền. Anh Nguyễn Văn Tiến, chủ tàu QNa-90471, công suất 450CV, nói: “Thường mỗi chuyến đi biển, tàu của tôi cần 20 lao động, nhưng tới giờ tìm mãi chỉ có 14 người. Không thể để tàu nằm bờ mãi được, mà 14 lao động đã gắn bó với tàu mình nhiều năm nay, không rời bến thì chủ tàu khác sẽ nhận họ ngay. Song buông câu thả lưới giữa trùng khơi trong điều kiện thiếu lao động thì không thể đạt hiệu quả như mong đợi”. Nguyên nhân theo anh Tiến là đi biển vất vả, thu nhập không cao, nên nhiều người chuyển sang làm nghề khác... Trong khi, cá tôm đánh bắt được nhiều khi cập bến bị các chủ nậu ép giá, nên thu nhập của các bạn thuyền đi cùng đã thấp lại càng thấp hơn…
Giống như các chủ tàu khác, để có thuyền viên đi chuyến biển sau Tết Đinh Dậu, anh Tiến phải đến từng nhà thuyền viên từ tháng 9 năm trước, đặt vấn đề đi cùng tàu anh suốt năm 2017. Họ đồng ý, anh Tiến phải vay mượn để tạm ứng 10 - 20 triệu đồng/người xem như “hợp đồng giao kèo” nhằm giữ chân bạn thuyền. Nhưng nhiều trường hợp, lao động đang đi, đột nhiên “nhảy thuyền” vì chủ thuyền khác may mắn trúng đậm cá tôm nên cần người và trả công cao hơn.
Ông Nguyễn Hữu Định, Ban Nông nghiệp xã Tam Quang, nhìn nhận, địa phương có trên 330 chiếc thuyền đánh bắt hải sản, trong đó có hơn 100 chiếc đánh bắt xa bờ. Trung bình mỗi tàu cá cần 10-15 người, nên số lượng lao động đi biển mà các chủ tàu cần là rất lớn. Mùa biển mới đã bắt đầu, nhưng nhiều chủ tàu cá vẫn chưa thể tìm đủ bạn thuyền để vươn khơi. Thực trạng này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và hiệu quả đối với đội tàu đánh bắt xa bờ của địa phương.
Các tỉnh, thành miền Trung những năm gần đây đã hình thành được đội tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 90 đến 1.000CV lên đến hàng ngàn chiếc. Nhiều chủ tàu mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại để phục vụ đánh bắt và đảm bảo an toàn trên biển như máy định vị, máy dò cá, máy thông tin liên lạc, máy tự động nhận dạng tàu cá… Song khan hiếm lao động đi biển nên nhiều chủ tàu ở TP Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quảng Trị phải cất công đi tìm lao động ngoài tỉnh, thậm chí mướn cả lao động nông nghiệp đi cùng các thuyền viên có kinh nghiệm kèm cặp hoặc đưa ra nhiều hình thức ưu đãi cho thuyền viên, như tăng tỷ lệ ăn chia, cho góp vốn hoặc cho ứng tiền. Ông Nguyễn Văn Huân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, cho rằng, giải pháp giữ chân bạn thuyền là các chủ tàu cần nâng cao chất lượng bảo quản sản phẩm trên tàu, để làm sao hải sản bán được giá cao, tức bạn thuyền đi cùng sẽ được chia lợi nhuận cao hơn. Đời sống bạn thuyền nâng cao thì họ sẽ yên tâm bám biển cùng các chủ tàu.
Tắc nghẽn từ cửa biển
Tại khu vực biển Cửa Đại (TP Hội An), chúng tôi chứng kiến cảnh hàng trăm tàu thuyền nằm bờ vì cửa biển này đang bồi lấp nghiêm trọng. Ông Lê Công Sỹ, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại, cho biết, phải đợi thủy triều lên (mỗi tháng thủy triều lên 2 lần, mỗi lần chỉ kéo dài 1 giờ - PV), thì chiều sâu cửa biển mới đạt khoảng 2,5m, lúc đó, thuyền trên 30CV mới xoay xở di chuyển luồng lạch. Địa phương đang nạo vét khơi thông cát tại cửa biển Cửa Đại. Đồng thời, cho cắm, điều chỉnh vị trí phao phân luồng trong và ngoài cửa biển để các phương tiện có thể ra vào bớt khó khăn.
Cửa biển bị bồi lấp khiến tàu thuyền ra vào gặp nhiều khó khăn
Tương tự, lạch chính vào cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) bị bồi lấp hoàn toàn nên tàu thuyền chỉ có thể mò đi theo luồng lạch phụ ra vào cảng. Tình trạng này không chỉ khiến phương tiện của ngư dân thường xuyên va chạm đụn cát dẫn đến gãy chân vịt, hỏng bánh lái… mà còn kéo theo các hoạt động khai thác, thu mua, chế biến hải sản tại đây đảo lộn.
Ông Dương Trọng Bình, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Thạch Kim, cho biết: “Thạch Kim có khoảng 130 tàu thuyền, chủ yếu là đánh bắt xa bờ với sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 2.000 tấn, doanh thu khoảng 75 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động với thu nhập ổn định. Nay luồng lạch bồi lấp khiến tàu ngư dân địa phương phải di chuyển phương tiện đến tỉnh bạn, dẫn đến sản lượng cá, tôm về cảng giảm mạnh, kéo theo nghề chế biển hải sản, cung cấp ngư cụ, xăng dầu, đá lạnh tại cảng cũng giảm sút. Hàng trăm lao động từng làm việc trên cảng, giờ cũng mất việc làm”.
Cũng theo ông Kim, Cửa Sót là cảng cá lớn nhất Hà Tĩnh, tình trạng cát bồi lấp không sớm nạo vét khắc phục thì không chỉ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương mà nguy hiểm hơn là khi biển động hoặc mưa bão, tàu thuyền của ngư dân không thể vào trú ẩn.
Tình trạng sạt lở, bồi lấp, thay đổi dòng chảy tại các cửa sông, cửa biển đang diễn ra ngày càng trầm trọng tại các tỉnh, thành ở miền Trung khiến tàu của ngư dân khó vươn khơi. Trong khi kinh phí khắc phục lớn nên các địa phương đều ngóng chờ chi viện từ Trung ương.
VĂN THẮNG - NGUYỄN TRANG - DƯƠNG QUANG