Khi thú chơi thủy tùng nở rộ tại Đắc Lắc, những gốc cây thủy tùng còn nằm lại dưới đất, dưới nước bắt đầu được đào bới lên và rao bán với giá ngất ngưởng. Không thể vào khu bảo tồn Trấp K’sơr (huyện Krông Năng) và Ea Ral (huyện Ea H’leo) đốn trộm thủy tùng, người dân trầm mình xuống hồ Ea Ral và đào bới nát những cánh đồng lúa ở Krông Năng tìm thủy tùng… Còn người có thủy tùng trong nhà, đêm nào cũng không yên giấc được vì sợ mất trộm.
Ngụp lặn xăm thủy tùng...
Dù trời mưa, hàng trăm người dân huyện Ea H’leo vẫn trầm mình xuống hồ Ea Ral để xăm thủy tùng. Trông từ xa, cảnh tượng người dân xăm thủy tùng trên hồ Ea Ral giống như ngư dân đang bắt cá. Từ đầu năm đến nay, hồ Ea Ral luôn lộn xộn như thế.
Những năm 1978 - 1980, để chắn nước xây dựng đập thủy lợi Ea Ral, hàng trăm cây thủy tùng cỡ lớn được đốn hạ và một số còn nằm lại trong hồ. Thời điểm đó, nhiều người dân còn dùng gỗ thủy tùng làm nhà vệ sinh, chuồng gia súc, gia cầm... Nhưng hơn 2 năm qua, xuất hiện tin đồn cây thủy tùng có thể chữa được ung thư nên bị săn lùng ráo riết. Do biết loài cây này rất hiếm, vân gỗ đẹp nên dân chơi đồ gỗ đã bỏ nhiều tiền để sưu tầm và tạo ra cơn sốt gỗ thủy tùng. Từ đó, đầu nậu gỗ thuê người dân địa phương lặn xuống hồ xăm tìm thủy tùng.
Vừa từ dưới hồ lên, cả anh Y Thiên và Y Thao (ở buôn Ea Riêng, xã Ea Ral) rét run người, vội chui vào vườn cà phê tránh mưa. Hơn một tháng qua, khi rỗi hai anh đi vớt thủy tùng. Đồ nghề chỉ là chiếc can nhựa làm phao bơi, một sợi dây để khi lặn xuống cột thủy tùng kéo lên. “Bọn mình không có bè lớn và máy nổ nên chỉ vớt được những cây nhỏ thôi. Hôm nào trúng, bán cũng được vài ba trăm ngàn đồng”, anh Y Thiên tâm sự.
Còn với anh Hưng và anh Thủy (ở thôn 4, xã Ea Ral) góp tiền mua máy nổ, làm bè, mua bình ôxy… lặn vớt thủy tùng. “Trước đây, chúng tôi còn vớt được những cây to, nhưng mấy ngày qua ngụp lặn khắp hồ chỉ được mấy cây nhỏ thôi”, anh Hưng chia sẻ. Thủy tùng dưới hồ gần hết, người đi xăm và mua bán cũng vãn dần. Ông Kế (ở thôn 6, xã Ea Ral) căng bạt bên gốc cà phê canh mấy gốc thủy tùng vừa mua lại của những người đi xăm. Ông ăn ngủ luôn ở đây để canh gỗ, nếu mệt thì các con ra thay. “Bán hết số thủy tùng này, tôi cũng về nhà chứ ngồi canh ở đây khổ lắm”, ông Kế buồn bã nói.
Tan nát ruộng đồng...
Những cánh đồng lúa ở huyện Krông Năng cũng tan nát vì thủy tùng. Giữa cánh đồng Ea Kuanh, hàng trăm người từ trẻ tới già lấm lem bùn đất đi xăm thủy tùng. Nơi đây trước kia là đầm lầy, có nhiều thủy tùng. Khi những cánh rừng thủy tùng bị cháy, thân và gốc nằm lại dưới bùn ở độ sâu khoảng 2 - 3m. Mỗi đội xăm thủy tùng có từ 3 đến 10 người, với đồ nghề là những thanh sắt dài khoảng 3m, có một đầu nhọn để xăm. Khi xăm được thủy tùng, họ thay nhau lấy xẻng đào những hố sâu 2 - 3m đưa thủy tùng lên. Anh Y Sui (ở Buôn Giêr, xã Ea Hồ) cho biết: “Nếu chưa xong trong ngày, chúng tôi phải cắt cử người ở lại canh để khỏi người khác đào mất. Rảnh rỗi việc đồng mới đi, chứ xăm thủy tùng vất vả lắm. Bữa nào hên cũng kiếm được vài ba trăm ngàn đồng”. Không riêng gì ở đây, những cánh đồng còn lại của huyện Krông Năng như Trấp K’sơr, Ea K’riêng, Ea H’răch và Trấp Bu cũng bị hàng trăm người đến đào xới tan tành để tìm thủy tùng.
Chẳng những đồng ruộng tan nát, nhiều khi vì chỉ mấy khúc gỗ thủy tùng cũng vỡ tan tình nghĩa vì đánh nhau sứt đầu, mẻ trán. Anh Y Thil (ở Buôn Vik, xã Ea Hồ) kể rằng, có người đi xăm phát hiện thủy tùng ở những ruộng lúa đang chín, không phải ruộng của họ nhưng họ vẫn đào lên và xảy ra xô xát với chủ ruộng. Còn Ama Trang (cán bộ tư pháp xã Ea Hồ) cho biết, mới đây có hai nhóm đi xăm cùng phát hiện ra một cây gỗ thủy tùng, thế là chẳng bên nào chịu nhường, dẫn đến xô xát với nhau, họ kéo lên UBND xã nhờ phân giải. Không thể phân biệt ai tìm được trước, xã đành phải cho cưa đôi cây gỗ cho hai nhóm.
Trắng đêm canh thủy tùng
Thủy tùng (có tên khoa học Glyptostrobus pensilis, xuất hiện cách đây khoảng 10 triệu năm) là cây gỗ lớn thường cao tới 25m, đường kính thân hơn 1,3m. Thủy tùng có tên trong Sách đỏ Việt Nam và theo công bố của Quỹ Sinh vật hoang dã thế giới (WWF), đây là một trong những loài bị săn lùng ráo riết nhất. Hiện nay, trên thế giới chỉ còn sót lại 2 quần thể cuối cùng ở huyện Ea H’Leo và Krông Năng, tỉnh Đắc Lắc với khoảng 290 cây. Chính phủ đã có Nghị định 32 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, nghiêm cấm khai thác, sử dụng, vận chuyển loài cây cực kỳ quý hiếm này. Vì thế, những hành vi khai thác, vận chuyển và mua bán thủy tùng đều phải xử lý hình sự. |
Khốn khổ không kém những người đi xăm thủy tùng, những người có thủy tùng trong nhà cũng mất ăn, mất ngủ. Anh Ama Trang cho biết, gần đây ở xã Ea Hồ xuất hiện nhiều nhóm đi trộm thủy tùng. Mấy ngày trước có người đến hỏi mua chiếc cầu thang bằng gỗ thủy tùng, ông Y Lil (ở buôn Vik) không bán vì để đi lại. Bỗng mấy ngày sau, chiếc cầu thang biến mất.
Bây giờ, hễ nghe tiếng chó sủa, ông phải bật dậy vì còn mấy rường cột và tấm ván ngôi nhà dài làm bằng thủy tùng. Ông buồn bã nói: “Họ mua bao nhiêu già cũng không bán đâu, ngôi nhà cha ông mình để lại phải giữ chứ. Mà giữ nó cũng khổ lắm, đêm nào cũng thức dậy mấy lần để xem có ai lấy trộm không”.
Gia đình anh Y Buih (ở cùng buôn Vik) còn lại chiếc cầu thang bằng gỗ thủy tùng duy nhất trong buôn cũng phải cất đi vì sợ mất, khi nào ra vào nhà mới đem ra sử dụng. Mấy tháng trước có người đến hỏi mua cầu thang này và mấy tấm ván bằng thủy tùng trước hiên nhà, anh không bán thế là bị trộm mất mấy tấm ván.
Ở Buôn Giêr (xã Ea Hồ), nhà buôn trưởng Y Chơn đêm nào cũng mở điện sáng trưng trước sân để canh mấy khúc thủy tùng trước đây ông đi xăm được. Bà H’biu (vợ ông Y Chơn) tâm sự: “Cái bóng điện trước sân lắp gần một năm rồi. Tốn tiền điện lắm nhưng ông nhà không cho tắt, để canh mấy khúc thủy tùng”. Chuồng bò nhà bà H’rô (ở cùng buôn) có 6 cái cột bằng thủy tùng, thấy nhiều nhà bị mất trộm nên đem cất nhưng vẫn bị mất 3 cái. Còn hàng rào có mấy cột thủy tùng, bà cũng phải dời vào trong và buộc thép lại phòng kẻ trộm.
Bây giờ ở trong buôn, nhà nào có thủy tùng cũng phải đóng đinh (mặc dù tập tục đồng bào nơi đây không đóng đinh gỗ khi làm nhà dài), canh chừng suốt đêm để giữ. Còn rất nhiều, rất nhiều chuyện bi hài quanh việc giữ thủy tùng như: Cột xích vào tượng Phật thủy tùng, suốt đêm canh chuồng bò làm bằng thủy tùng, chuộc tượng thủy tùng mất 5 triệu đồng...
Không riêng gì Đắc Lắc, hiện nay thú chơi thủy tùng đã lan rộng khắp cả nước. Các “đại gia” khắp nơi săn lùng mua các mặt hàng mỹ nghệ cao cấp từ thủy tùng như: lộc bình, tượng Phật Bà Quan Âm, tượng Phật Di Lặc, chim đại bàng... để phô diễn, khẳng định “đẳng cấp” của mình. Không biết bao giờ thú chơi này mới dừng lại để cuộc sống người dân được yên bình và cây thủy tùng còn đất sống?
CÔNG HOAN