Tình trạng bác sĩ lạm dụng kê đơn thuốc thương mại, biệt dược tràn lan như hiện nay đang khiến bệnh nhân “khổ chồng thêm khổ”. Trong khi bác sĩ kê đơn rung đùi… hốt hoa hồng!
Cầm gói thuốc vừa mua tại hiệu thuốc ngay gần cổng Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Phạm Thị Thu (32 tuổi) ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa không khỏi lo âu. Đưa túi thuốc chỉ có 2 vỉ kháng sinh, 2 lọ xi rô ra, chị Thu nói: “Thằng nhỏ chỉ có ho và sốt, bác sĩ khám bệnh bảo bị viêm họng cấp, rồi kê đơn, nhưng không biết đơn thuốc bác kê loại gì mà ra hiệu thuốc mua phải trả tiền tới gần 300.000 đồng”.
Xem đơn thuốc bác sĩ kê cho cháu bé con chị Thu, quả thật chỉ có 3 loại thuốc khác nhau, trong đó có thuốc tên Altamet 250mg với giá bán lên tới 15.000 đồng/viên. Tìm hiểu chúng tôi được biết loại thuốc Altamet 250mg là tên thương mại của một loại kháng sinh có tên thuốc gốc là cefetamets piovixil. Nếu như bác sĩ kê đơn theo tên thuốc gốc trên thì có lẽ chị Thu đã có nhiều sự lựa chọn hơn khi mua thuốc cho con mình và cũng không phải chịu giá thuốc quá cao.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, việc lạm dụng kê đơn thuốc thương mại, biệt dược lại đang xảy ra ở rất nhiều các cơ sở y tế, dù là công hay tư. Không có nhiều bác sĩ thực hiện nghiêm túc việc kê đơn thuốc gốc theo quy định của ngành y tế. Trong đó, các loại thuốc kháng sinh, thuốc điều trị tim mạch, dạ dày, tiêu hóa cho tới các loại vitamin thường được kê đơn dưới dạng biệt dược, tên thương mại nhiều nhất.
Thậm chí đối với bệnh thông thường, phổ biến như sốt, cảm cúm khi đưa ra đơn thuốc điều trị cho bệnh nhân, phần lớn bác sĩ cũng đều kê đơn với tên thuốc thương mại như Decolgel, Tiffy, Panadol có giá từ 2.000 - 3.000 đồng/viên. Trong khi đó thực chất các loại thuốc điều trị cảm cúm này là thuốc gốc, thuốc thiết yếu paracetamol với giá chỉ khoảng 500 đồng/viên mà tác dụng điều trị tương đương nhau.
Một chuyên gia về dược phẩm thẳng thắn cho biết, kê đơn thuốc thương mại, biệt dược đồng nghĩa với việc người bệnh phải chi một số tiền lớn hơn khi mua thuốc so với tên gốc và thị trường dược phẩm sẽ luôn có sự biến động tiêu cực. Việc bác sĩ lạm dụng kê đơn thuốc thương mại là do tên thuốc thương mại, biệt dược dễ nhớ, dễ viết hơn tên thuốc gốc. Cùng với đó là tâm lý thích dùng thuốc ngoại, thuốc đắt tiền của nhiều người dân.
Tuy nhiên, yếu tố lớn nhất quyết định tới việc bác sĩ kê đơn thuốc thương mại ở đây chính là lợi ích từ việc ăn chia hoa hồng, phần trăm lợi nhuận bán thuốc mà các công ty dược dành cho bác sĩ nếu như kê đơn thuốc thương mại, biệt dược của công ty dược đó. Trong khi đó, việc kiểm tra kê đơn thuốc của bác sĩ cũng như ngăn chặn tình trạng trình dược viên tiếp thị, chia hoa hồng cho bác sĩ lại là vấn đề nan giải bấy lâu nay của Bộ Y tế.
Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt mà bệnh nhân không có quyền lựa chọn. Người lựa chọn cho người bệnh chính là bác sĩ kê đơn. Nhưng với tình trạng lạm dụng tên thuốc thương mại, biệt dược trong các đơn thuốc kê cho bệnh nhân hiện nay cũng đang tác động không nhỏ tới sự phát triển ngành dược trong nước và khả năng tiếp cận thuốc thiết yếu của người dân.
Thống kê cho thấy, trong năm qua, tổng chi tiêu y tế là khoảng 27.000 tỷ đồng, trong đó có 11.000 tỷ đồng chi mua thuốc và thuốc biệt dược chiếm tới 70% số tiền chi mua thuốc
KHÁNH NGUYỄN