(SGGPO). – Sáng 28-5, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp; và việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam-Lào.
Tại tổ TPHCM, đại biểu Lê Trọng Sang, cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự luật Luật Phòng cháy chữa cháy chưa bao phủ hết. Chẳng hạn, qua quá trình phát triển TPHCM, nhiều đối tượng bị chi phối như xây dựng chung cư để ở nhưng không phải người nào cũng là chủ hộ mà có thể người sử dụng thuê nhà còn chủ hộ ở nơi khác. Do vậy, khi xảy ra sự cố ngoài trách nhiệm chủ hộ còn phải quy trách nhiệm người sử dụng trực tiếp.
Bổ sung cho điểm này, đại biểu Huỳnh Thành Đạt, dự thảo mới chỉ đề cập đến phòng cháy chữa cháy với bệnh viện, khách sạn, trường học, nhà nghỉ... nhưng có thực tế là hiện này các ký túc xá nhiều nơi có số lượng sinh viên lên tới 1.000-2.000, thậm chí tới 6.000 sinh viên. Do vậy, cần bổ sung đối tượng này cũng như có chính sách đầu tư cho việc phòng cháy chữa cháy với đối tượng này.
Thậm chí, đại biểu Trần Thanh Hải cho rằng, dự luật chỉ sửa đổi vài điều, các nghị định hướng dẫn lại không đồng nhất. Do vậy, không thể giải quyết được tình trạng hiện nay và nhiều điều khoản không đi vào cuộc sống. Quan điểm chung là phòng cháy chữa cháy khu vực nào quan trọng nhất lại chưa được chú trọng. 3 năm qua ở TPHCM có 434 vụ cháy, trong đó cháy nhiều nhất là khu vực dân cư chiếm hơn 43% và trong nguyên nhân gây cháy thì do điện chiếm 66%. Chính vì vậy nên suy nghĩ về trách nhiệm hộ gia đình trong ý thức phòng cháy chữa cháy.
Còn theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, trong phòng cháy chữa cháy cần phải nhấn mạnh hơn nữa vai trò của Nhà nước bởi thực tế khi xảy ra cháy thì người dân đã có trách nhiệm trong việc chữa cháy rồi. “Khi xảy ra cháy chúng ta đứng ngó, trực thăng không có lấy đâu ra chữa cháy. Nếu như không có trực thăng trang bị cho lực lượng Phòng cháy chữa cháy thì phải có phương án phối hợp với quân đội chứ nếu không lúc xảy ra cháy, việc xin các thủ tục xong thì đã cháy hết”, đại biểu Lan nói.
Cũng chưa hoàn toàn đồng tình với dự thảo, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, cho rằng, dự luật mới chỉ như khẩu hiệu thiếu thực tiễn. Chẳng hạn như khi xảy ra cháy thì trách nhiệm người đứng đầu ra sao, điều động thế nào… phải được quy định rõ. Hay như ở TPHCM, lực lượng Phòng cháy chữa cháy còn có chức năng cứu hộ cứu nạn vì khi người nhảy cầu, nhảy lầu tự tử cũng nhờ lực lượng này nhưng dự luật lại không đề cập đến. Do vậy, nếu đã sửa thì phải sửa toàn diện để đảm bảo sau này không phải sửa tiếp.
Liên quan đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp, đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, cơ sở của việc sửa đổi Điều 170 là không rõ. Tại sao những doanh nghiệp FDI hết hạn mà không đăng ký lại? Tại sao không đăng ký lại mà tiếp tục cho đầu tư mới mở rộng. Theo ĐB, nếu chỉ đảm bảo cơ sở pháp lý cho giao dịch doanh nghiệp vì hết hạn đăng ký thì có thể quy định cho phép hồi tố và đến năm 2014 thì sửa toàn bộ luật, trong đó có Điều 170.
NGỌC QUANG