Không bỏ án tử hình với tội phạm cướp, ma túy

(SGGP).- Đó là một trong những ý kiến được nêu ra tại Hội nghị tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) - gọi tắt là dự thảo - do Thường trực HĐND TPHCM tổ chức ngày 28-8.

Theo luật sư (LS) Trịnh Minh Tân, Điều 167 trong dự thảo về tội “Cướp tài sản” quy định mức hình phạt cao nhất đối với người phạm tội này là tù chung thân sẽ không đảm bảo tính răn đe của pháp luật, nhất là đối với những vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; từ đó LS Tân đề nghị cần phải áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình. Cũng lo ngại hình phạt không đảm bảo tính răn đe, ông Nguyễn Đức Sáu (nguyên Chánh tòa Hình sự TAND TPHCM) đề nghị nâng mức hình phạt cao nhất đối với tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và “Vận chuyển trái phép chất ma túy” từ tù chung thân như trong dự thảo lên tử hình. Một số ý kiến khác cho rằng mức hình phạt cao nhất áp dụng với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chỉ 20 năm theo dự thảo quy định là chưa thỏa đáng, cần tăng lên tù chung thân hoặc tử hình; hình phạt đối với tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” còn thấp.

Tại điểm c, khoản 3, Điều 39 dự thảo quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về một số tội phạm, nhưng sau khi bị kết án đã khắc phục về cơ bản hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc lập công lớn. Đây là nội dung nhận được ý kiến nhiều chiều. Ông Nguyễn Tấn Hảo (Viện KSND TPHCM) phát biểu đồng tình vì quy định này tạo cho người bị kết án tử hình cơ hội cuối cùng để được sống nhưng phải có sự nỗ lực, tích cực bằng những hành động cụ thể để khắc phục trong việc phát hiện, khám phá tội phạm hoặc có sự lập công lớn; cũng như giúp các cơ quan chức năng thu hồi lại được các tài sản bị chiếm đoạt, bị thất thoát, lãng phí. Trong khi đó, TS Phan Anh Tuấn (Trường ĐH Luật TPHCM) đề nghị bỏ quy định này. Ông đặt vấn đề: “Việc áp dụng quy định này ở điều kiện nào đó sẽ dễ dẫn đến cách hiểu là dùng tiền để thoát án tử hình. Nếu có thiện chí, vì sao họ không khắc phục hậu quả trước khi bị tuyên án?”.

Một trong những vấn đề trọng tâm được đưa ra lấy ý kiến nhân dân khi sửa đổi Bộ luật Hình sự là trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân phạm tội. Về nội dung này, hầu hết các ý kiến đều đồng ý áp dụng nguyên tắc xử lý này; tuy nhiên, cần quy định tội danh phù hợp áp dụng cho pháp nhân để không dẫn đến tình trạng quy định tội danh nhưng không áp dụng hoặc bỏ sót hành vi nguy hiểm phải xử lý hình sự. Ngoài ra, cần cân nhắc để việc xử lý này không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Ông Nguyễn Tấn Hảo đề nghị xử lý hình sự một số hành vi do pháp nhân thực hiện xảy ra tương đối phổ biến, gây bức xúc trong nhân dân: buôn lậu; trốn thuế; cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; thao túng giá trị thị trường chứng khoán; trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; gây ô nhiễm môi trường; vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; hủy hoại nguồn lợi thủy sản; hủy hoại rừng; tài trợ khủng bố...

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục