Nghị định 72/2013/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-9-2013, là một bước tiến mới trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet ở Việt Nam, nhất là đối với những hoạt động thông tin trên mạng. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (thuộc Bộ Thông tin - Truyền Thông) về những điểm mới của nghị định này.
- Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về Nghị định (NĐ) 72 so với NĐ 97 (ban hành ngày 28-8-2008) về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng?
>> Ông HOÀNG VĨNH BẢO: Hoạt động internet ở nước ta trong những năm qua phát triển nhanh, nảy sinh những vấn đề mà NĐ 97 trước đây không quán xuyến hết được, nhất là những ứng dụng, dịch vụ mới trên mạng internet và mạng di động. Từ năm 2001, chúng ta đã có NĐ 55 về quản lý internet. Đến năm 2008 có NĐ 97 và bây giờ là NĐ 72. Mục đích là để thúc đẩy sự phát triển internet của Việt Nam, nhưng đảm bảo môi trường lành mạnh, hạn chế những mặt trái, tiêu cực của nó. Đồng thời, NĐ cũng tăng cường đảm bảo an toàn và an ninh thông tin trên mạng, cải cách hành chính trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý, phát triển internet.
Với NĐ 72, lần đầu tiên chúng ta phân định rõ ràng các trang báo điện tử dưới hình thức trang thông tin điện tử (TTĐT); trang TTĐT tổng hợp; trang TTĐT nội bộ; trang TTĐT cá nhân và trang TTĐT ứng dụng chuyên ngành. Từ đó, loại hình nào sẽ có chế tài quản lý phù hợp với loại hình đó và người dân khi tham gia vào loại hình nào sẽ biết mình phải chịu những chế tài ràng buộc, quy định. Qua đó, đảm bảo cho mọi người, tổ chức đều được tự do, bình đẳng trước pháp luật khi tham gia các hoạt động trên internet.
Một điểm rất mới là chúng ta xác định loại hình thông tin trên mạng viễn thông di động. Đây là điều mà trước đây chưa có trong NĐ 97. Chúng ta cũng xác định rõ loại hình thông tin công cộng xuyên biên giới và chế tài quản lý, nhằm đảm bảo sự lành mạnh của các loại hình dịch vụ này, đồng thời tạo điều kiện bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước khi tham gia cung cấp các dịch vụ như doanh nghiệp nước ngoài. Nếu doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp vào Việt Nam các dịch vụ trên mạng xuyên biên giới thì phải tuân thủ pháp luật Việt Nam như các doanh nghiệp trong nước.
- Liên quan tới những dịch vụ thông tin công cộng xuyên biên giới, chúng ta sẽ quản lý hay có chế tài như thế nào, nhất là những mạng xã hội không có trụ sở hay văn phòng đại diện ở Việt Nam?
NĐ 72 mới chỉ đưa ra quy định chung nhất về dịch vụ thông tin xuyên biên giới. Tới đây, Bộ TT-TT sẽ phối hợp với các bộ, ngành khác tiếp tục xây dựng và ban hành thông tư với những điều khoản cụ thể hơn về nội dung này. Về nguyên tắc, thông tư sẽ tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Viễn thông, NĐ 72 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Trong quá trình xây dựng NĐ 72 và sắp tới là thông tư quy định về quản lý dịch vụ xuyên biên giới, Bộ TT-TT tham khảo kỹ các hiệp định song phương, đa phương, thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc đang đàm phán nhằm đưa ra những chế tài phù hợp, đúng đắn nhất.
- Khoản 4, Điều 20 của NĐ 72 nêu: “Trang TTĐT cá nhân là trang TTĐT do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp”. Một số ý kiến cho rằng, quy định này cấm các cá nhân trên mạng xã hội trích dẫn, chia sẻ thông tin từ các trang TTĐT, các tờ báo mạng - một việc mà các cá nhân vẫn thường làm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi khẳng định hoàn toàn không có việc cấm các cá nhân chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Chỉ có điểm khác so với trước kia là khi cá nhân muốn chia sẻ một thông tin nào đó được tổng hợp từ các nguồn trên internet, các báo hay bất cứ tài liệu nào, cần phải gắn kèm đường link hoặc ghi rõ nguồn trích dẫn thông tin để người khác muốn tham khảo thông tin đầy đủ có thể truy cập vào đường link đó. Đồng thời, các cá nhân vẫn có quyền đánh giá, bình luận về vấn đề mà mình chia sẻ nhưng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về phát ngôn của mình, đảm bảo không vi phạm các quy định của pháp luật.
Tôi cũng xin khẳng định, quy định này không nhằm hạn chế quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân mà nhằm mục đích bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền về thông tin cho các cơ quan báo chí. Thời gian qua, tồn tại tình trạng có những cá nhân lấy lại tin bài trên các báo, đăng trên mạng xã hội mà không xin phép, có lúc còn tự sửa đổi nội dung, đặt tít giật gân để câu người đọc. Điều này đã khiến nhiều cơ quan báo chí hết sức bức xúc.
- Còn vấn đề quản lý game online, thưa ông?
NĐ 72 đã quy định rõ việc tăng cường quản lý trò chơi điện tử trên mạng thông qua các biện pháp cấp phép, phê duyệt nội dung, kịch bản, đăng ký và thông báo cung cấp trò chơi điện tử theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử hoạt động, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người chơi. Bên cạnh đó, NĐ còn phân loại trò chơi theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ phù hợp với lứa tuổi và tạo điều kiện cho các bậc cha mẹ có thể lựa chọn hoặc giám sát con em mình, bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi những tác động tiêu cực của trò chơi.
NĐ 72 cũng quy định quản lý các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên cơ sở quy định cụ thể các điều kiện hoạt động, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng...
Quan điểm của Bộ Thông tin - Truyền thông về vấn đề quản lý game online qua NĐ 72 là tạo hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch, để giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội và hạn chế đến mức tối đa những mặt xấu, tiêu cực của game online.
- Cảm ơn ông!
| |
TRẦN LƯU (thực hiện)