Hệ thống phòng thủ tên lửa NATO

Không chặn được… tên lửa?

Những mục tiêu của AMD
Không chặn được… tên lửa?

Ngay sau khi NATO tuyên bố đã triển khai giai đoạn đầu của hệ thống phòng thủ tên lửa chung châu Âu (AMD), Nga cũng tuyên bố đã bắn thử thành công tên lửa liên lục địa thế hệ mới được cho là có khả năng xuyên thủng AMD. Và mới đây, báo cáo của Ủy ban Khoa học quốc phòng (DSB) trực thuộc Lầu Năm Góc đã dội gáo nước lạnh lên các kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO khi cho rằng các hệ thống này không đánh chặn được tên lửa.

Tàu USS Shiloh (Mỹ) thử nghiệm tên lửa đánh chặn SM-3 trên biển.

Tàu USS Shiloh (Mỹ) thử nghiệm tên lửa đánh chặn SM-3 trên biển.

Những mục tiêu của AMD

Với lý do châu Âu cần có một hệ thống bảo vệ vững chắc trước sự tấn công hạt nhân từ Iran, CHDCND Triều Tiên, NATO và Mỹ đã xúc tiến kế hoạch xây dựng một lá chắn tên lửa chung được lắp đặt tại các nước đồng minh: Romania, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Hà Lan. Các lá chắn được thiết lập dựa trên các hệ thống radar theo dõi, tên lửa đánh chặn trên biển và trên đất liền. Trong khi Nga luôn kịch liệt phản đối hệ thống lá chắn tên lửa này vì nó áp sát biên giới của Nga và coi đây là một mối đe dọa an ninh thì NATO vẫn nhấn mạnh rằng AMD của khối không nhằm vào Nga mà chỉ nhằm phòng thủ trước các tên lửa được phóng đi từ các nước thù địch. Hai bên đã có nhiều thỏa thuận về hệ thống AMD nhưng không đi đến tiếng nói chung. Nguyên nhân chính gây bế tắc là do Mỹ và NATO không chịu đưa ra bảo đảm pháp lý về việc AMD không nhằm vào lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga. Dù NATO khẳng định AMD không nhằm vào Nga, nhưng trong các báo cáo về mục tiêu giả định, thường nhắc “nếu như các thế lực hiếu chiến ở Iran, Bắc Triều Tiên (CHDCND Triều Tiên), Nga và Trung Quốc cầm quyền…”.

Bất chấp sự phản đối quyết liệt từ phía Nga, NATO vẫn triển khai hệ thống lá chắn này. Theo lời mô tả của NATO và Mỹ, hệ thống đánh chặn tên lửa AMD sẽ bao gồm những trang thiết bị vũ khí tối tân nhất, được xây dựng qua 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành trong năm 2012 là triển khai một số hệ thống chống tên lửa để bảo vệ, chống lại các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, thiết lập radar AMD ở châu Âu. Giai đoạn 2, dự kiến hoàn thành năm 2015, xem xét triển khai các tên lửa đánh chặn biến thể hoàn thiện hơn SM-3. Giai đoạn này bao gồm việc triển khai các tổ hợp tên lửa chống tên lửa trên mặt đất trên cơ sở các tên lửa Standard-3 ở Nam Âu nhằm hỗ trợ bổ sung cho các hệ thống trên biển. Giai đoạn 3, đến năm 2018, sẽ triển khai ở Bắc Âu một tổ hợp tên lửa tương tự như ở Nam Âu, trang bị cho các hệ thống mặt đất và trên tàu chiến các hệ thống Aegis với tên lửa đánh chặn Standard mod.2A. Giai đoạn 4 hoàn thành năm 2020 sẽ bao gồm việc hiện đại hóa các thành phần AMD đã triển khai từ các giai đoạn trước đó.

Sau khi kế nhiệm vị trí Tổng thống Mỹ năm 2008, ông Barack Obama tuyên bố hợp tác với châu Âu để thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa chung thay vì chỉ phát triển nó ở mức độ quốc gia. Mỹ tỏ ra rất sốt sắng trong những cuộc đàm phán, thúc đẩy triển khai hệ thống lá chắn. Các nhà phân tích quân sự cho rằng việc Mỹ hướng đến việc hệ thống AMD châu Âu được xây dựng dưới sự bảo trợ của NATO nhằm mục đích chia sẻ các chi phí tài chính giữa tất cả các thành viên tham gia trong hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO, qua đó giảm bớt gánh nặng tài chính cho Mỹ hoặc để đảm bảo sự phụ thuộc tài chính của một số nước. Bên cạnh đó, có thể áp đặt việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ nhằm kiểm soát một tổ chức quốc tế, như NATO. Chuyện đương nhiên là Mỹ cố tình che giấu mục đích này.

Thực hư hiệu quả của AMD

Theo các kết luận của Ủy ban Khoa học quốc phòng Mỹ và Cơ quan Kiểm toán Chính phủ Mỹ, hệ thống phòng thủ chống tên lửa mà Mỹ triển khai ở châu Âu trong tương lai gần không thể hoàn thành được những nhiệm vụ quân sự đặt ra. Khuyết điểm được cho là nghiêm trọng nhất của hệ thống là bán kính hoạt động của các radar và tên lửa đánh chặn trên mặt đất không có khả năng lựa chọn mục tiêu. Các radar AMD chưa thể phát hiện các tên lửa đạn đạo và bám theo chúng trong giai đoạn đầu của hành trình bay. Thậm chí, khi phát hiện được trong khoảng thời gian 100 giây thì cũng quá muộn vì các phương tiện đánh chặn sẽ chỉ bắn hạ được mục tiêu giả và rác tên lửa. Điều tương tự này cũng xảy ra ở các trạm radar theo dõi trên biển. Trong khi đó, loại radar AN/TPY-2 bố trí ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ không đủ bán kính hoạt động, còn tầm hiệu dụng của các radar AN/SPY-1 triển khai trên các tàu chiến Aegis không cho phép kịp thời đưa ra tín hiệu chặn thu các tên lửa được phóng lên từ Cận Đông. Các chuyên gia của Lầu Năm Góc cho rằng, vấn đề chủ yếu là các cảm biến lắp trên tên lửa đánh chặn không phân biệt được đầu đạn của tên lửa với các mục tiêu giả bay kèm theo. Biện pháp đối phó đơn giản nhất đối với hệ thống phòng thủ tên lửa là những quả khí cầu. Do các phương tiện đánh chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa tìm cách tấn công các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong không gian vũ trụ, đối phương có thể bắn các quả khí cầu và đầu đạn bay cùng nhau, từ đó khiến hệ thống phòng thủ không thể phân biệt đâu là mục tiêu giả và thật. Một kẻ thù có ý định đưa lượng chất nổ hạt nhân đến lãnh thổ Mỹ có thể bơm nhiều quả khí cầu như vậy gần đầu đạn và bao phủ toàn bộ hệ thống phòng thủ tên lửa bằng cách tạo nên các tín hiệu giả.

Theo các chuyên gia của chương trình Kiểm toán chính phủ Mỹ, việc đẩy nhanh triển khai các thành tố phòng thủ chống tên lửa đã dẫn đến “tăng mạnh giá của dự án, hiệu quả thấp và những vấn đề thường xuyên xuất hiện liên quan đến chất lượng của các bộ phận”. Cụ thể, do mong muốn kết thúc giai đoạn 2 triển khai các hệ thống trước năm 2015, Lầu Năm Góc đã mua mấy chục tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA mà không chờ thử nghiệm quốc gia chính thức kết thúc. Các chuyên gia kiểm toán phát hiện, quyết định mua tên lửa đánh chặn đã được thông qua bất chấp những phản đối của các kỹ sư. Những người này phát hiện ra nhiều vấn đề nghiêm trọng trong động cơ tên lửa sau các cuộc phóng thử. Hệ thống phòng thủ tên lửa đặt căn cứ trên biển cũng chưa bao giờ được thử nghiệm trong các điều kiện thực tế trên biển và ai cũng biết các vụ thử này không khả thi. Trong khi đó, tất cả các báo cáo đều cho biết chương trình phòng thủ tên lửa đã tiêu tốn nhiều hơn toàn bộ chương trình tàu vũ trụ Apollo mà không tạo ra bất cứ khả năng tác chiến tin cậy nào để chống lại các tên lửa đạn đạo của đối phương và các biện pháp đối phó đơn giản.

Những phát hiện mới được công bố đã làm nội bộ chính phủ Mỹ xôn xao. Ông Obama đã bị đảng Cộng hòa chỉ trích vì xem thường lợi ích quốc gia. Phản bác lại kết luận, đại diện Cơ quan phụ trách AMD Richard Liner kêu gọi nhân viên hội đồng khoa học của Lầu Năm Góc và Kiểm toán “đừng quá tô đậm bức tranh”. Theo ông này, vấn đề tầm hoạt động của radar sẽ được giải quyết trong vài năm tới, khi triển khai hệ thống theo dõi mới trên vũ trụ.

Thanh Hằng (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục