Không chấp nhận độc quyền, đặc quyền trong sản xuất nông nghiệp

Làm tốt hơn công tác dự báo
Không chấp nhận độc quyền, đặc quyền trong sản xuất nông nghiệp

(SGGPO).- Sáng nay, 31-12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp giải trình về “Tái cơ cấu nông nghiệp: nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng nông, lâm, thủy hải sản Việt Nam”.

Tham dự phiên giải trình, ngoài địa diện các bộ, ban ngành, còn có 50 nông dân và đại diện doanh nghiệp nông nghiệp đến từ;các vùng miền trong cả nước.

Tăng trưởng vượt mục tiêu

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát cho biết, qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, Bộ NN-PTNT đã nỗ lực và chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nội dung và giải pháp nên đã có tác động tích cực tới hiệu quả phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.

Năm 2014, sản xuất tăng trưởng với tốc độ cao hơn (giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,9%, tốc độ tăng GDP ngành đạt 3,4%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra là 3,2% và cao hơn nhiêu so với năm 2013, tương ứng là 3% và 2,6%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 30,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên 63,9% năm 2012, 64,7% năm 2013 và 67,8% năm 2014.

Không chấp nhận độc quyền, đặc quyền trong sản xuất nông nghiệp ảnh 1

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn các đại biểu tại phiên giải trình. Ảnh: Lã Anh

Giải pháp đột phá nào?

ĐB Cao Sỹ Kiêm đánh giá cao kết quả ngành đạt được nhưng cho rằng ngành nông nghiệp còn nhiều tồn tại, đặc biệt là khả năng cạnh tranh về chất lượng không cao. “Ngành phải có đột phá như thế nào về phương thức chỉ đạo nói riêng và nâng cao chất lượng cán bộ nói chung” – ĐB chất vấn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, khâu đột phá trong tái cấu trúc nông nghiệp được xác định là đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN); tổ chức lại sản xuất. Ngành nông nghiệp đang tập trung xây dựng cơ chế chính sách để đẩy mạnh trên ứng dụng KHCN trên thực tế, trong đó phối hợp triển khai Luật KHCN cùng với Bộ KHCN. Trong phát triển giai đoạn mới, Bộ NN-PTNT sẽ cùng Bộ KHCN khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của DN vào KHCN; khuyến khích liên kết tổ chức nhà nước với doanh nghiệp và doanh nghiệp với doanh nghiệp.

ĐB Trần Du Lịch chỉ rõ 3 vấn đề lớn: nếu phát triển chỉ dựa vào 2 yếu tố là tài nguyên thiên nhiên và sự cần cù của nông dân thì chỉ giải quyết được đói nghèo. Quan trọng là phải bổ sung giá trị gia tăng và nâng cao chất lượng. TS Trần Du Lịch trăn trở: Chúng ta nói mãi việc được mùa mất giá. Trong tái cấu trúc chúng ta trả lời những vấn đề này bằng giải pháp như thế nào, như tác động thị trường ra sao, vai trò chính quyền thế nào?... Chính sách về giống và thức ăn ra sao khi DN trong nước chỉ chiếm thị phần thức ăn rất thấp”?

Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận, tính liên kết giữa sản xuất và thị trường là vướng mắc lâu nay chưa “gỡ” tốt. Làm thế nào để kết nối sản xuất với thị trường? Đầu tiên phải rà soát, tháo gỡ vướng mắc để cơ chế thị trường hoạt động hiệu quả hơn. Trong thực tế, lực lượng có thể tiếp cận và dẫn dắt theo thị trường là doanh nghiệp. Do đó giải pháp là tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho doanh nghiệp, để nền nông nghiệp gắn kết với thị trường chặt chẽ hơn.

Chưa hài lòng với giải đáp trên, ĐB Trần Du Lịch tiếp tục đề nghị: “Bộ trưởng cần làm rõ để người dân thấy năm 2015 có động thái gì nhằm chuyển biến tình hình, cứ từ từ thế này không ổn lắm”!

“Hiện nay thức ăn chăn nuôi đang do doanh nghiệp FDI chi phối, như vậy có bền vững không”? Bị động trong nguyên liệu chăn nuôi cũng là bức xúc được chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ một doanh nghiệp nuôi tôm ở Hà Tĩnh kiến nghị với người đứng đầu ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, các DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 60% thị phần thức ăn thủy sản nhưng chủ trương của nhà nước ta là tạo môi trường cạnh tranh, không cho DN nào độc quyền, nhóm DN nào chi phối làm ảnh hưởng đến lợi ích của nông dân. DN phải thực hiện đúng luật và đúng với cam kết với nông dân.

Không chấp nhận độc quyền, đặc quyền trong sản xuất nông nghiệp ảnh 2

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 60% thị phần cung ứng thức ăn thủy sản trong nước. Ảnh Cao Thăng

Làm tốt hơn công tác dự báo

ĐB Đặng Thế Vinh đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết tiến độ quy hoạch ngành nông nghiệp trên cơ sở thị trường và lợi thế từng vùng; giải pháp để giữ và thực hiện đúng quy hoạch? Những cơ chế chính sách biện pháp, giải pháp, đặc biệt là vai trò bộ ngành trung ương trong dự báo thị trường, từ đó đưa ra khuyến cáo kịp thời, tránh cung vượt cầu, sản xuất bột phát…

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đã chỉ đạo xây dựng chiến lược, quy hoạch và hầu hết tất cả các lĩnh vực đều có chiến lược đến năm 2020; từng cây, con đều có quy hoạch và đang lần lượt được rà soát lại. Các chiến lược, quy hoạch đều theo hướng phát huy lợi thế và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, đất đai giao cho người dân, nên quy hoạch chỉ mang tính chất định hướng và khuyến cáo cho nhân dân; cần tuyên truyền khuyến khích bằng những chính sách phù hợp để người dân thấy có lợi và tự nguyện thực hiện quy hoạch. Bộ NN-PTNT và Bộ Công Tthương luôn có bộ phận theo dõi sát sao, phối hợp các DN nắm sát thị trường để dự báo qua các kênh khác nhau. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhìn nhận, công tác dự báo cần được làm tốt hơn.

Hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ: Địa phương chậm phê duyệt

Tại phiên giải trình, ĐB Thân Đức Nam đề nghị Bộ trưởng cho biết kết quả và giải pháp triển khai nhanh chính sách hỗ trợ ngư dân, đặc biệt đóng thuyền mới đánh bắt xa bờ; tiến độ triển khai quy hoạch xây dựng 5 trung tâm nghề cá, đặc biệt là vùng duyên hải miền Trung.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản đưa ra nhiều chính sách ưu đãi mạnh mẽ, trong đó có đánh bắt trên biển như hỗ trợ cải hoán đội tàu, đóng mới tàu đánh bắt xa bờ. Bộ và các bộ ngành liên quan ban hành đủ cơ sở pháp lý, mẫu tàu để bà con tham khảo. Địa phương rà soát để đảm bảo tàu đóng có chất lượng, hỗ trợ có chất lượng. Một số địa phương đã phê duyệt được danh sách và ký hợp đồng, sắp tới bà con sẽ tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng hơn.

Về xây dựng 5 trung tâm nghề cá là Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa- Vũng Tàu và Kiên Giang, hiện đang xây dựng lập dự toán đầu tư, năm 2015 sẽ xây trung tâm ở Khánh Hòa, từ 2016-2020 triển khai tiếp theo. Tuy nhiên, do nguồn vốn lớn nên cơ quan chức năng đang làm việc với các nhà tài trợ quốc tế và trong nước...

Cùng giải đáp vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, NHNN đã có kế hoạch bố trí 16.000 tỷ đồng vốn cho mục tiêu này, sẵn sàng để cho vay dài hạn với lãi suất ưu đãi.

Tuy nhiên, đến nay mới có 7/28 tỉnh thành duyên hải phê duyệt danh sách được vay vốn. Thực tế mới có 40 chủ tàu được vay vốn từ 2 ngân hàng. “Còn một số vướng mắc nhất định, có trường hợp ngay cả trong danh sách đã được địa phương phê duyệt, khi ngân hàng rà lại thấy vẫn chưa đủ điều kiện”, ông Tiến phát biểu. NHNN nhận thức đây là chủ trương lớn nên đã giao cho 5 Ngân hàng thương mại tiếp cận công tác này  tích cực hơn nữa trong thời gian tới.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục