(SGGPO).- Thực hiện Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT/BYT-BTC của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, ngày 1-3, đồng loạt các bệnh viện trong cả nước điều chỉnh tăng giá gần 1.900 dịch vụ y tế kỹ thuật.
Vấn nạn quá tải ở bệnh viện
Mức tăng trung bình lần này được tính toán khoảng 30%-40% so với giá cũ do được cộng bổ sung thêm chi phí phụ cấp tiền trực và phẫu thuật. Ghi nhận ngày đầu điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho thấy nhiều người bệnh không biết.
Vẫn chờ mỏi mệt
Ngồi chờ tại bệnh viện, bà Trần Hoàng H. (51 tuổi, ngụ Thủ Đức, TPHCM) ngáp dài: “Tới từ 6 giờ sáng mà giờ 9 giờ vẫn còn ngồi đây”. Có khối u ở ngực, bà H. đã đến khám nhiều lần ở Bệnh viện Ung Bướu TPHCM nhưng chưa mổ được. Hàng tháng, bà H. vẫn phải đi tái khám và lấy thuốc uống. Khi được hỏi có biết tăng giá viện phí, bà H. lắc đầu nguầy nguậy!
Trong khi đó, chị Nguyễn Anh T. (37 tuổi, ngụ Bình Dương) cũng đến khám tại Bệnh viện Ung Bướu sáng 1-3 xem ra có tìm hiểu hơn nói đã nhìn thấy bệnh viện dán thông báo điều chỉnh giá tới mấy trang giấy nhưng nhỏ quá nên ít ai thấy. “Tui có bảo hiểm y tế. Nhìn sơ qua thì chắc cũng được chi trả nên tiền khám, xét nghiệm này nọ không lo. Chỉ lo có phẫu thuật sợ tốn kém thêm”.
Tương tự, tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bệnh nhân vẫn chen chúc đông kín cả lối đi lên lầu. Khi được hỏi về tăng viện phí, nhiều bệnh nhân cũng không biết và cho rằng có BHYT nên không lo!
Ghi nhận ngày 1-3 cho thấy hầu hết các bệnh viện đã dán thông báo điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế kỹ thuật công khai cho người bệnh biết. Song, hầu hết bệnh nhân không biết hoặc mấy quan tâm. Họ chỉ mong ngóng được khám chữa bệnh sớm.
Theo lãnh đạo các bệnh viện, tình trạng quá tải chưa giải quyết ngay được. “Hy vọng sau đợt điều chỉnh tăng dịch vụ lần này, được trích lại 15% viện phí để có điều kiện nâng cấp, sắm sửa thêm”, một lãnh đạo bệnh viện cho biết. Để chuẩn bị cho đợt thay đổi viện phí này, các bệnh viện cũng đã lên kế hoạch tập huấn cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và thông báo đến các khoa phòng. BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu cho biết bệnh viện có phương án sẽ tiếp tục giữ nguyên giá viện phí cho những bệnh nhân đã nằm nội trú từ trước ngày 1-3 cho đến 0h ngày 15-3 thì mới thực hiện thay đổi giá viện phí. Còn bệnh nhân nhập viện từ 1-3 được tính theo giá mới. Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TS Nguyễn Trường Sơn, cũng cho biết đã yêu cầu các khoa phòng có liên quan trực tiếp đến người bệnh giảm tối đa thủ tục hành chính như photo giấy tờ khi người bệnh tái khám hoặc giảm thiểu các quy định như cam kết đóng tiền, cam kết phẫu thuật… để rút ngắn thời gian chờ đợi!
Tại Hà Nội, nhiều bệnh viện như: Bạch Mai, Việt Đức, Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Nhi Trung ương... trong ngày đầu tiên viện phí được điều chỉnh tăng, các hoạt động của bệnh viện đều diễn ra bình thường. Số lượng người bệnh tới khám khá đông và phần lớn đều biết được thông tin viện phí tăng. Anh Trần Long đưa con đi khám bệnh tại Bệnh viện Xanh Pôn chia sẻ: “Điều mà tôi cũng như nhiều người quan tâm hơn cả là việc tăng viện phí thì chất lượng dịch vụ y tế tại các bệnh viện cũng phải tăng theo, đấy mới là cốt lõi vấn đề. Người bệnh sẵn sàng chịu tốn kém, chi phí nhiều hơn nhưng bù lại khi tới bệnh viện phải khỏi bệnh và cảm thấy an tâm, dễ chịu, thoải mái về thái độ của y, bác sĩ...” - anh Long thẳng thắn.
Tại TP Huế sáng 1-3, tại khu vực phòng khám của Bệnh viện Trung ương Huế đều đã niêm yết công khai giá dịch vụ khám chữa bệnh mới, áp dụng cho các đối tượng có thẻ BHYT nên phần lớn người dân đến khám và chữa trị không bỡ ngỡ. Tuy nhiên, việc tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh vẫn được bệnh nhân bàn tán xôn xao. Bà Nguyễn Thị Hoa - người có con gái vừa nhập viện vào sáng cùng ngày để phẫu thuật nội soi ruột thừa cho rằng, nếu nhập viện vào ngày hôm qua 29-2 thì chi phí phẫu thuật cho con tôi sau khi trừ BHYT (80%) chỉ phải đóng thêm 400.000 đồng. Nhưng giờ chi phí tăng 30% theo giá mới nên sau khi BHYT chi trả, con tôi phải đóng 520.000 đồng. Bà nhẩm tính, chưa kể các khoản khác, tính riêng chi phí phẫu thuật đã mất thêm 120.000 đồng, trong khi giá lúa gạo ở quê vẫn giữ nguyên thì quá thiệt cho bệnh nhân.
Cũng trong ngày 1-3, các bệnh viện tại Cần Thơ thực hiện việc tăng viện phí, dịch vụ y tế theo thông tư 37. Nhiều người dân quan tâm đến việc tăng giá này nhưng chưa biết cụ thể như thế nào, nên ai cũng lo lắng. Chiều 1-3, đang ngồi đợi lấy thuốc tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, ông Trần Văn Năm 66 tuổi ở quận Ninh Kiều nói: “Đọc cả ngàn danh mục dịch vụ, tôi chưa hiểu trường hợp của mình sẽ như thế nào. Tôi bị bệnh tim mạch, thường xuyên đến đây chữa trị theo thẻ BHYT. Chiều nay, tôi đến đăng ký và được khám bệnh rồi xuống đây chờ lấy thuốc. Tôi có nghe thông tin tăng giá viện phí, dịch vụ y tế từ hôm nay nhưng chưa biết thế nào. Các lần trước thì bảo hiểm thanh toán hết, tôi chỉ đóng có 5%, tương đương vài chục ngàn đồng”.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, viện phí mới chỉ áp dụng đối với bệnh nhân có thẻ BHYT. Người khám chữa bệnh dịch vụ không thẻ BHYT vẫn tính theo giá cũ. Đối với bệnh nhân nhập viện trước 0 giờ ngày 1-3-2016 vẫn được tính giá cũ cho đến hết liệu trình, dù liệu trình đó kéo dài đến tháng sau. Bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cho hay, trong tháng đầu triển khai giá mới, bệnh viện xác định có thể chịu lỗ trong một số hạng mục chưa được quy định rõ ràng. Bệnh viện sẽ dùng tiền từ nguồn quỹ đầu tư phát triển để bù vào khoản lỗ này nếu có, miễn sao bệnh nhân không thiệt thòi.
Chất lượng có tăng?
Trước việc giá viện phí bắt đầu được điều chỉnh tăng thêm, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết, mục tiêu lớn nhất mà Bộ Y tế đặt ra là tất cả bệnh viện đều phải không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh dù có tăng giá viện phí hay không, song việc điều chỉnh tăng viện phí sẽ giúp các bệnh viện thúc đẩy nhanh hơn lộ trình tiến tới mục tiêu này.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cũng khẳng định, nếu không tham gia BHYT trong thời gian tới, nhóm đối tượng này sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do giá dịch vụ y tế sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình tính đúng, tính đủ. Điều đáng nói, với đợt điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế lần này, các bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn về tài chính được cộng tính luôn cả lương bác sĩ vào giá. Và qua 1-7 tới, sẽ áp dụng đại trà tại các cơ sở khám chữa bệnh. Như vậy, so với các bệnh viện đang được “ăn ngân sách”, giá dịch vụ y tế tại các bệnh viện tự chủ sẽ cao hơn từ 1-3. Tuy nhiên, hiện các bệnh viện tự chủ cũng đắn đo vì chưa có hướng dẫn cụ thể việc sử dụng các khoản thu tăng thêm. Còn các bệnh viện chưa tự chủ cũng lo lắng vì sớm muộn gì sắp tới cũng bị “cắt” ngân sách nên nguồn thu được chi cho khoản nào hợp lý vẫn còn mù mờ!
Mặc dù Bộ Y tế cho rằng việc điều chỉnh tăng giá lần này không ảnh hưởng mấy đến người bệnh, nhưng thực tế thì dù ít dù nhiều người bệnh vẫn phải chi trả thêm, dù có BHYT bởi đồng chi trả, nhất là đồng chi trả 20%!.
Nhóm PV