Không còn là “túi nước ngọt”

Các khu, cụm công nghiệp (KCN, CCN) ở ĐBSCL đang rơi vào thế “bão hòa”. Tình trạng “bão hòa” ở đây không phải đã lấp đầy diện tích sau thời gian mọc lên như nấm, mà chính là sự bế tắc trong xu hướng phát triển. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều KCN, CCN còn thưa thớt nhà đầu tư cũng là cơ hội để ĐBSCL “soi lại” lựa chọn phát triển theo xu hướng nào.
Không còn là “túi nước ngọt”

Các khu, cụm công nghiệp (KCN, CCN) ở ĐBSCL đang rơi vào thế “bão hòa”. Tình trạng “bão hòa” ở đây không phải đã lấp đầy diện tích sau thời gian mọc lên như nấm, mà chính là sự bế tắc trong xu hướng phát triển. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều KCN, CCN còn thưa thớt nhà đầu tư cũng là cơ hội để ĐBSCL “soi lại” lựa chọn phát triển theo xu hướng nào.

Chủ yếu làm gia công

Trước đây, nhiều nhà khoa học và chuyên gia kinh tế đã cảnh báo: ĐBSCL nên lựa chọn phát triển công nghiệp theo xu hướng “xanh - bền vững”, gắn liền với đặc thù môi trường sông nước miệt vườn. Thế nhưng, dưới áp lực gia tăng GDP, các địa phương lại học theo cách thu hút đầu tư vào các KCCN như các tỉnh miền Đông với nhiều chính sách ưu đãi khác nhau. Trong đó, hai lĩnh vực chế biến thủy sản và lương thực được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư nhất.

Rất ít nhà máy đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải.

ĐBSCL hiện có 51 KCN và khoảng 200 CCN với tỷ lệ lấp đầy và thuê đất mới chiếm khoảng trên 50%. Số KCN có tỷ lệ lấp đầy nằm tại tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ. Long An là địa phương dẫn đầu vùng ĐBSCL với 28 KCN, tỷ lệ lấp đầy 46,64%. Các KCN của Long An thu hút được 821 dự án; gồm 282 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn trên 2 tỷ USD và 539 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 30.000 tỷ đồng. Đứng thứ hai là thành phố Cần Thơ có 8 KCN đang hoạt động, trong đó có 3 KCN cơ bản đã lấp đầy (Trà Nóc 1, Trà Nóc 2, Thốt Nốt), 5 KCN đang triển khai xây dựng.

Song, các chuyên gia kinh tế nhận định: Lĩnh vực công nghiệp, chế biến thủy sản là ngành công nghiệp mũi nhọn, luôn chiếm tỷ trọng cao và có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng sản phẩm chế biến chỉ dừng lại ở mức cá tra phi lê, tôm đông lạnh, mực đông lạnh... Ngành công nghiệp sản xuất chủ yếu là sản phẩm sơ chế, chưa có nhiều sản phẩm chế biến chuyên sâu. Nguyên nhân công nghiệp vùng ĐBSCL chậm phát triển và không thu hút được các nhà đầu tư lớn do sự bất cập về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực thấp, chi phí đầu tư cao, chất lượng quy hoạch và định hướng chung cho phát triển thiếu tính liên kết. Nhìn chung ngành công nghiệp của vùng chưa có sản phẩm lõi, có giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ hiện đại mà hiện tại chỉ chủ yếu là công nghiệp chế biến.

Hướng đến tăng trưởng xanh

Theo khuyến khích của Bộ KH-ĐT, ĐBSCL cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nguyên liệu của ngành nông nghiệp song song với đẩy nhanh tiến độ phát triển các CCN điện, đạm, vật liệu xây dựng. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến hàng nông - lâm - thủy hải sản và công nghiệp cơ khí phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đầu tư mạnh những ngành công nghiệp chế biến mũi nhọn, tạo ra những sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao để xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu. Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu và năng lượng trong sản xuất một cách hiệu quả. Phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, chất lượng, giá trị gia tăng cao, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch để giữ vững và mở rộng thị trường.

Trong tình trạng ô nhiễm cục bộ đang diễn ra khá gay gắt ở các KCN, CCN, các chuyên gia kinh tế cho rằng ĐBSCL cần có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; đưa các nhà máy, xí nghiệp mới thành lập và các nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường hiện đang ở trong các khu dân cư, nội thị ra khỏi nội ô thị xã, thành phố; xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở 100% các khu, cụm, điểm công nghiệp mới; gắn xây dựng phát triển các KCN với bảo vệ môi trường sống, nhất là môi trường nguồn nước mặt.

Thế nhưng hiện nay, lại xuất hiện một xu hướng “tăng trưởng trước, dọn sạch sau”. Đây là một thực tế diễn ra ở không ít địa phương khi “nương tay” đối với doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí, trong bối cảnh áp lực tạo ra việc làm cho khu vực nông thôn, nhiều ý kiến cho rằng, nên “hạ mức” các tiêu chí về môi trường để thu hút đầu tư. Thực tế cho thấy, những ý kiến “hạ sách” này sẽ chịu phí tổn khắc phục rất nặng nề và nhiều nơi đã quá muộn để sửa sai.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng khốc liệt, mực nước biển dâng, nguồn nước từ sông Mekong bị các đập thủy điện đe dọa sẽ tạo ra nhiều áp lực cho châu thổ. Viễn cảnh ĐBSCL không còn là “túi nước ngọt” là rất gần - nhất là trong mùa khô. Đây cũng là lời cảnh báo để các địa phương trong vùng suy ngẫm phát triển các KCN, CCN theo hướng “xanh” hay “nâu”!

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục