Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa có chuyến công du Saudi Arabia với 2 mục đích: trấn an đồng minh Riyadhh và tham dự thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. Thế nhưng, Saudi Arabia đã không dành cho ông Obama cách tiếp đón theo thông lệ như khi đón tiếp một nguyên thủ quốc gia công du chính thức. Theo đó, Vua Salman không ra tận đường băng đón chào Tổng thống Mỹ và kênh truyền hình nhà nước Saudi Arabia không phát trực tiếp các hình ảnh nguyên thủ Mỹ khi tới Riyadhh.
Thái độ lạnh nhạt của Saudi Arabia đối với ông Obama đặt ra câu hỏi: phải chăng đã qua rồi thời kỳ quan hệ đặc biệt giữa Washington và Riyadh ? Từ hơn 70 năm qua, Mỹ và Saudi Arabia duy trì mối quan hệ đặc biệt và hầu như không suy chuyển, dựa trên thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Vua Abdelaziz ben Abderrahmane Al Saoud được ký vào năm 1945. Nội dung cốt yếu của thỏa thuận là Saudi Arabia cung cấp dầu lửa cho Mỹ và đổi lại, Washington bảo đảm an ninh cho Riyadh.
Loạt khủng bố 11-9-2001 tại Mỹ cũng như vai trò, trách nhiệm của Saudi Arabia trong vụ này, dù chưa được làm rõ, đã phần nào ảnh hưởng quan hệ song phương. Tuy nhiên, sự trục trặc trong quan hệ giữa hai nước trở nên rõ nét trong những năm gần đây. Riyadh ngày càng không hài lòng về chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama đối với vùng Trung và cận Đông.
Theo ông Pascal Boniface, Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược, Saudi Arabia nghĩ rằng liên minh ký kết năm 1945 với Mỹ đang dần dần tan rã hoặc suy tàn, nhất là với việc Mỹ và Iran xích lại gần nhau, sau hiệp định về chương trình hạt nhân Iran, được ký ngày 14-7 năm ngoái. Thứ nhất, Saudi Arabia lo ngại bị bỏ rơi vì giờ đây nhu cầu về dầu lửa của Mỹ ngày càng giảm.
Thứ hai, Riyadh nghi ngờ về việc Washington tôn trọng các cam kết bảo đảm an ninh và sự trường tồn của triều đại Al Saoud, bằng chứng là việc Mỹ đã bỏ rơi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak năm 2011. Bên cạnh đó, uy tín, lòng tin đối với Mỹ cũng đã bị sứt mẻ nghiêm trọng trong mắt của Saudi Arabia, sau khi Tổng thống Obama từ chối tấn công Syria trong vụ vũ khí hóa học.
Tuy nhiên, chính sách của Mỹ đối với Iran mới là nguyên nhân chính gây bất hòa giữa Riyadh và Washington. Giới phân tích ví von, việc nhóm P5+1 (5 thành viên Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc và Đức) và Iran ký kết hiệp định về chương trình hạt nhân của Teheran đã làm cho giới lãnh đạo Saudi Arabia mất ngủ. Iran tái hội nhập vào cộng đồng quốc tế, các trừng phạt từng bước được bãi bỏ, Teheran sẽ lại có được những nguồn tài chính khổng lồ, từ đó củng cố ảnh hưởng của mình tại Lebanon, Syria, Iraq và Yemen. Saudi Arabia theo chế độ quân chủ Hồi giáo dòng Sunni trong khi Iran được coi là trung tâm phe Hồi giáo dòng Shiite, 2 dòng Hồi giáo đối đầu nhau. Iran là một kẻ thù không đội trời chung với các quốc vương vùng Vịnh và Saudi Arabia.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí The Atlantic hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thống Obama kêu gọi Saudi Arabia tìm cách chia sẻ mối quan hệ láng giềng hữu hảo với Iran. Một lời kêu gọi khiến Riyadh không hài lòng. Cựu lãnh đạo cơ quan tình báo Saudi Arabia, Hoàng tử Turki al-Faisal, đã tuyên bố thẳng thừng: đã qua rồi những ngày tháng tốt đẹp thuở xưa trong liên minh Mỹ - Saudi Arabia và cần xác định lại quan hệ song phương. Ông Faisal nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể trông đợi sự trở lại của những ngày tháng tốt đẹp xưa kia”.
ĐỖ CAO