Không đáng ngại khi ngân hàng ngoại thoái vốn

Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng nước ngoài đã thoái vốn tại các ngân hàng Việt. 

   

 Giao dịch tại Ngân hàng Eximbank Ảnh: THÀNH TRÍ
Giao dịch tại Ngân hàng Eximbank Ảnh: THÀNH TRÍ
Cụ thể, giữa tháng 4-2017, Ngân hàng ANZ Việt Nam đã bán toàn bộ mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho Ngân hàng Shinhan Việt Nam. Đầu tháng 7-2017, CommonWealth Bank of Australia (CBA) đã chuyển giao toàn bộ hoạt động kinh doanh của chi nhánh tại TPHCM cho Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) mà CBA đang nắm 20% cổ phần. Sau khi xin ý kiến cổ đông thông qua đề xuất mua lại 19,41% cổ phần tại ngân hàng của HSBC vào tháng 6-2017, Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) cho biết vừa mua lại hơn 172,35 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 19,41% cổ phần đang lưu hành của ngân hàng). Số lượng cổ phiếu quỹ Techcombank mua vào lần này đúng bằng số lượng cổ phần HSBC đang nắm giữ tại ngân hàng.

Ngoài ra, Ngân hàng Standard Chartered cũng xác nhận kế hoạch thoái vốn khỏi Ngân hàng Á Châu (ACB)…

Với diễn biến trên, không ít ý kiến cho rằng thị trường Việt Nam đã bớt hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại vì họ dần thấy hoạt động kinh doanh ngân hàng Việt Nam không chỉ kém hấp dẫn mà còn có quá nhiều rủi ro trong bối cảnh xuất hiện nhiều thị trường khác trong khu vực tốt hơn. Một số còn lo ngại sẽ có “làn sóng” thoái vốn trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Vực, hiện tượng này là hết sức bình thường và không có gì đáng lo ngại vì việc này xuất phát từ việc phục vụ quá trình tái cơ cấu. Việc thoái vốn cũng là vì ngân hàng nước ngoài thay đổi chiến lược kinh doanh chứ không phải do môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa tốt, nhất là hiện nay hệ thống ngân hàng của Việt Nam đang ở thời điểm tốt hơn nhiều so với một vài năm trước đây. 

Ông Bùi Huy Thọ, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho rằng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đóng cửa không phải là thu hẹp hay chấm dứt hoạt động tại Việt Nam mà do các ngân hàng này đã có ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam nên đóng cửa chi nhánh và chuyển giao tài sản, công nợ vào ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam nhằm tập trung hoạt động vào ngân hàng này. Cụ thể như HSBC rút vốn khỏi Techcombank và họ sẽ dùng chính nguồn vốn đó để phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Còn ANZ chuyển nhượng mảng dịch vụ bán lẻ tại Việt Nam cho Ngân hàng Shinhan Việt Nam cũng là do thay đổi chiến lược từ ngân hàng bán lẻ sang tập trung cho mảng tài trợ thương mại và vốn. CBA cũng nêu rõ quan điểm chiến lược của họ đóng cửa chi nhánh để tập trung quan hệ cổ đông chiến lược với VIB, thay vì phân tán nguồn lực… 

Liên quan đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào ngân hàng Việt, ông Thọ cho biết, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đang khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào tái cơ cấu ngân hàng. Việc Chính phủ đã thông qua Nghị quyết 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu cũng được coi là gỡ được nút thắt trong hoạt động M&A (mua bán, sáp nhập) trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Hiện một số nhà đầu tư nước ngoài đã đặt vấn đề tìm hiểu tham gia tái cơ cấu 3 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Mới đây, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đã “hút” được 1,2 tỷ USD từ một loạt nhà đầu tư nước ngoài đặt mua cổ phiếu và “room” sở hữu nước ngoài cũng gần được lấp đầy 

Tin cùng chuyên mục