Không dễ để về

Các cuộc tấn công dồn dập của lực lượng liên quân trên cả 2 chiến trường Syria và Iraq khiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng dần suy yếu.

Các cuộc tấn công dồn dập của lực lượng liên quân trên cả 2 chiến trường Syria và Iraq khiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng dần suy yếu.

Theo Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách vấn đề liên quan khủng bố Daniel Glaser, IS đang mất dần sự kiểm soát với những thành trì quan trọng, hoạt động mua bán, khai thác dầu bị ngăn chặn, hoạt động giao dịch với các ngân hàng bị cắt đứt làm IS gặp khó khăn trong tài chính và không thể trả lương cho các tay súng thành viên, đồng thời làm gia tăng tình trạng tham nhũng trong nội bộ.

Tương tự các nhóm khủng bố khác, tiền là yếu tố giúp IS duy trì hoạt động và nuôi sống các thành viên, và đây chính là điểm yếu mà liên minh quốc tế chống IS tận dụng nhằm làm suy yếu tổ chức này. Theo Wall Street Journal, việc trì hoãn, cắt tiền lương và các khoản bổng lộc cho các thành viên khiến nhiều tay súng IS rời bỏ hàng ngũ. Mặc dù IS sở hữu lượng lớn thành viên là những kẻ sùng đạo nhưng cũng có người gia nhập chỉ vì tiền. Họ sẵn sàng cải đạo sang các tôn giáo khác nếu được trả hậu hĩnh. Trước đó, cư dân của các nước phương Tây đã lên đường chiến đấu cho IS đã bị cám dỗ bởi mức thu nhập cao, nhà ở miễn phí, xe hơi, thực phẩm và hứa hẹn địa vị xã hội nhất định. Giờ vỡ mộng, họ tìm đường quay về nhà. Ngày càng có nhiều người gia nhập IS tìm đến các cơ quan ngoại giao để được giúp đỡ trở về nước. Thông điệp tuyệt vọng được gửi tới từ nam giới và cả phụ nữ trẻ, những người được mời chào đến Syria làm vợ chiến binh thánh chiến. Điều này cho thấy một sự khủng khoảng tinh thần đang gia tăng trong hàng ngũ của IS.

Theo những thống kê chưa đầy đủ, số chiến binh đào ngũ của IS đã lên tới hàng trăm. Lý do họ đưa ra là do IS bị thất bại quá nhiều nhưng theo các nhà phân tích, nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ nhiều người gia nhập IS chỉ vì tuyệt vọng, họ không phải những tín đồ đích thực. Các chiến binh bị IS thu phục đều phải chấp nhận một “giao kèo ác quỷ”. Để nhận hỗ trợ tài chính, họ phải tiếp thu cả hệ tư tưởng lệch lạc của chúng và chứng kiến  những hành động tàn bạo như giết thường dân vô tội dã man, giết con tin bừa bãi, sự lộng hành của các thủ lĩnh.

Giới phân tích cho rằng, hiện tượng đào ngũ của các chiến binh IS và việc lan truyền câu chuyện về tội ác có thể là chìa khoá để ngăn dòng chảy chiến binh nước ngoài trốn sang Syria, chống lại sự tuyên truyền của nhóm này. Một số chuyên gia kêu gọi các chính phủ và xã hội dân sự nên công nhận giá trị của những người bỏ IS trở về và tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng. Nếu có thể, các chính phủ nên giúp họ tái định cư. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi các nước cảnh giác cao độ với khủng bố, đường về với những chiến binh đào ngũ này không mấy dễ dàng. Những chiến binh IS là người phương Tây sẽ bị lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ và thẩm vấn trong giai đoạn dài. Trở về nhà, họ sẽ bị cơ quan thực thi công vụ xem là những kẻ cực đoan có khả năng gây ra mối đe dọa đối với nhà nước. Chưa kể, việc đào ngũ khỏi tổ chức IS còn được xem là một trọng tội. Nhóm khủng bố này đã chôn sống không ít các chiến binh khi họ cố tình đào thoát khỏi chiến trường Iraq và Syria, một hình thức răn đe những người đang muốn hoàn lương trở về.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục