Không để nước đến chân

Bên cạnh những chuyển động tích cực, vấn đề không thể lơ là của ngành cà phê là trong số 560.000ha cà phê, có tới 100.000ha trên 20 năm tuổi. Nếu không tái canh thì

Bên cạnh những chuyển động tích cực, vấn đề không thể lơ là của ngành cà phê là trong số 560.000ha cà phê, có tới 100.000ha trên 20 năm tuổi. Nếu không tái canh thì 5 - 10 năm tới, năng suất sẽ giảm dần, có thể lên đến 50%, thiệt hại khoảng 4.000 tỷ đồng/năm.

Theo ông Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, bài học các nước cho thấy, do chưa lường hết hậu quả, một số nước như như Brazil, Colombia, Ấn Độ không chú trọng đến việc tái canh cây cà phê già cỗi nên sau đó năng suất cà phê sụt giảm nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho rằng, đây là một việc cần làm ngay để càng lâu sự thiệt hại càng lớn.

Tuy nhiên, khi giá cà phê tăng cao như năm 2011, khó mà khuyến khích người dân tái canh, nếu không có chính sách rõ ràng sẽ hạn chế tốc độ diện tích tái canh. Chi phí tái canh cho 1 ha cà phê hiện nay khoảng 100 - 120 triệu đồng, trong đó 60% là chi phí về giống, phân bón. Hơn nữa, việc tái canh không đơn giản, tỷ lệ cây cà phê trồng mới sống được đến khi thu hoạch khá thấp. Nghiên cứu của Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy, gần 88% diện tích tái canh bị thất bại, sau 4 năm tái canh chỉ có 14% số cây cho trái.

Cục Trồng trọt cho biết, theo kế hoạch đến năm 2015 sẽ tái canh xong 100.000 ha cà phê già cỗi, nhưng với trở ngại này sẽ phải kéo dài đến năm 2020. Điều quan trọng hiện nay là Chính phủ nên sớm có chính sách, nhất là hỗ trợ về lãi suất để khuyến khích người trồng cà phê có thể chủ động tái canh.

Chủ tịch Vicofa, ông Lương Văn Tự, đưa ra một gợi ý, để bù cho chi phí đầu tư tái canh, nhà nước có thể thu phí xuất khẩu qua mỗi tấn cà phê. Mỗi năm Việt Nam xuất khoảng 1,1 triệu tấn, nếu thu phí phần trăm trên từ đầu tấn con số có được hàng năm không nhỏ. Đó là cách lấy cà phê nuôi cà phê, thay vì chờ tiền nhà nước.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục