Đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, đây là sự kiện quan trọng thiết thực kỷ niệm 30 năm thực hiện Công ước về quyền trẻ em (1989-2019) và chuẩn bị hội nghị phát triển trẻ em khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2019 sẽ được tổ chức vào tháng 12 tại Hà Nội. Việt Nam đã phấn đấu đạt các mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo, trong đó có những vấn đề liên quan đến trẻ em, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ như Công ước của Liên hiệp quốc, đề cao vai trò của gia đình, trách nhiệm của xã hội. Đây là các nội dung rất quan trọng trong tiêu chí phát triển bền vững của đất nước, thực hiện thắng lợi các cam kết và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu thiên niên kỷ, mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời, góp phần tạo ra môi trường an toàn, thân thiện, bình đẳng, công bằng, không phân biệt đối xử với quyết tâm không để bất cứ trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
“Với trách nhiệm cao nhất, Việt Nam đã khẳng định nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, quy định các hành vi bị cấm, xâm phạm đến quyền trẻ em, quy định rõ nguồn lực bảo đảm thực hiện quyền trẻ em”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.
Chia sẻ tại hội nghị, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers cho biết, là quốc gia đầu tiên trong khu vực và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em, Việt Nam có thể tự hào về những tiến bộ quan trọng trong thực thi quyền trẻ em, nhất là việc nội luật hóa các điều khoản và nguyên tắc của Công ước vào các bộ luật, chính sách và chương trình quốc gia. Qua 3 thập niên từ khi Công ước được phê chuẩn, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em.
Theo khuyến nghị của bà Rana Flowers, tất cả trẻ em đều phải được bảo đảm các dịch vụ xã hội chất lượng, không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. Các chính sách, luật pháp, cải cách hành chính cần tính đến câu hỏi “liệu quyết định đó có phải vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em”.
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới cần ưu tiên lĩnh vực bảo vệ và thiết lập môi trường sống an toàn cho trẻ em. Trong đó tập trung vào phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, xử lý bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; xây dựng quy trình tư pháp thân thiện; rà soát, hoàn thiện chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… Các địa phương phải chủ động, kịp thời giải quyết các vấn đề về trẻ em phức tạp, mới phát sinh. 100% xã, phường, thị trấn hình thành nhóm thường trực bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các bộ chỉ số đánh giá, giám sát thực hiện quyền trẻ em; thúc đẩy các mô hình thực hiện quyền tham gia của trẻ em, nhất là trong quá trình xây dựng, triển khai các chính sách về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.