Hai tháng sau chuyến thăm chính thức LB Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đầu tuần này, một đoàn trên 100 doanh nghiệp hàng đầu của LB Nga đã tới Hà Nội để tìm kiếm cơ hội đầu tư, thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.
Ông Slippemtruck, Tổng giám đốc Tập đoàn tài chính Metropol có doanh thu hàng năm tới 17 tỷ USD, dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Nga, tỏ ra lạc quan và tuyên bố sẽ sớm mở văn phòng đại diện tại Việt Nam: “Metropol có thế mạnh về ngân hàng đầu tư, bảo hiểm, cho thuê tài chính, khai khoáng, chế tạo máy… và tôi nhận thấy đây là những lĩnh vực đầy tiềm năng ở Việt Nam”.
Dự báo, khi Metropol tham gia vào thị trường Việt Nam, nhiều tập đoàn tài chính khác cũng sẽ theo chân doanh nghiệp này.
LB Nga và Việt Nam có quan hệ kinh tế thương mại truyền thống từ hàng chục năm nay nhưng hiện nay thế mạnh này chưa được phát huy. Năm 2006, kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ đạt 869 triệu USD với các mặt hàng chủ lực mà Việt Nam xuất khẩu sang Nga như hải sản, dệt may, cao su… và nhập khẩu từ Nga như sắt thép, xăng dầu, phân bón, máy móc thiết bị.
Dự báo, năm 2007 này, kim ngạch thương mại hai bên sẽ tăng lên khoảng 1 tỷ USD. Về đầu tư, hiện LB Nga có 54 dự án FDI tại Việt Nam với số vốn 302 triệu USD, đứng thứ 24/79 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Phía Việt Nam cũng mới chỉ có 11 dự án đầu tư sang Nga với số vốn khiêm tốn 73 triệu USD.
Dầu khí, năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống và hiệu quả giữa hai nước. Hiện các lĩnh vực khác như chế biến nông sản Việt Nam tại Nga, lắp ráp ô tô, khai thác khoáng sản, năng lượng… cũng đang được hai bên quan tâm.
Chính vì thế, theo ông Aleksandre Rakhman, Giám đốc Hội đồng doanh nghiệp Nga – Việt, các doanh nghiệp Nga đã quyết định không chờ đợi cho đến khi hoàn chỉnh thủ tục cho một cơ cấu song phương đầy đủ của hội đồng, mà tổ chức luôn chuyến đi lần này để tìm hiểu thị trường Việt Nam: “Đơn giản vì chúng tôi không muốn chậm chân, lỡ mất các cơ hội”.
Nhiều doanh nghiệp Nga tỏ ra rất quan tâm tới thị trường tài chính đầy tiềm năng của Việt Nam. Thực tế hoạt động của Ngân hàng liên doanh Việt - Nga (VRB) cho thấy điều đó. Chỉ sau một năm hoạt động, VRB đã thực hiện một loạt chương trình đầu tư vào LB Nga như tài trợ gần 300 triệu USD cho một số dự án trung tâm thương mại, khách sạn, nhà máy chế biến thực phẩm tại Matxcơva. VRB cũng thiết lập và vận hành kênh thanh toán trực tiếp với các ngân hàng Nga, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, để nâng thương mại hai chiều lên 3 tỷ USD vào năm 2010, doanh nghiệp Việt Nam nên đẩy mạnh đầu tư, xuất khẩu vào Nga. Bởi đây vốn là thị trường truyền thống của Việt Nam và trên thực tế thời gian qua nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thu được hiệu quả từ thị trường này. Đồng thời, thông qua thị trường Nga, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường các nước SNG và Đông Âu.
Bảo Minh