Báo cáo của Ủy ban Xã hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội và các biện pháp cấp bách liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 thuộc lĩnh vực Ủy ban Xã hội phụ trách” tại các tỉnh, thành phố vừa được gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Không sử dụng hết nguồn ngân sách bố trí cho phòng chống dịch
Nhận định khái quát, bản báo cáo nêu rõ, các chính sách đặc thù hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động trong thời gian đại dịch Covid-19 đã thể hiện được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, kịp thời, trách nhiệm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; đồng thời đã góp phần động viên tinh thần và sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp đối với Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên qua giám sát cho thấy có một thực tế đáng quan tâm: Hầu hết các tỉnh không sử dụng hết nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) đã bố trí cho phòng chống dịch. Tỷ lệ sử dụng ngân sách năm 2020-2021 của một số tỉnh tương đối thấp hơn so với tổng kinh phí đã bố trí như: TP Hà Nội là 43,4%, tỉnh Bạc Liêu là 50,8%...
Theo phản ánh của địa phương, Nghị quyết 30 cho phép và các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã thực hiện các biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù tại từng thời điểm phòng, chống dịch Covid-19 cụ thể. Nhưng sau đó, quá trình thanh tra, kiểm tra, quyết toán lại không xem xét các yếu tố cấp bách, tính nghiêm trọng của tình huống mà lại chỉ áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong điều kiện bình thường để đối chiếu, xem xét xử lý, gây ra tâm lý hoang mang cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong lĩnh vực y tế và công tác thanh quyết toán của các cơ quan ở cơ sở; tiềm ẩn tác động bất lợi khi phải quyết định các giải pháp ứng phó với tình huống khẩn cấp sau này.
Thừa vaccine có nguy cơ gây lãng phí
Theo báo cáo nêu trên, hầu hết các địa phương được khảo sát đã hoàn thành tiêm liều vaccine cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên.
Việc chậm cung cấp thông tin, bằng chứng khoa học về tác dụng của các mũi tiêm nhắc lại; một số trang mạng xã hội tuyên truyền các thông tin không đúng, sai lệch về an toàn, lợi ích của tiêm vaccine; tâm lý chủ quan của người dân sau khi đã nhiễm Covid-19... là những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm mũi 4 ở nhóm từ 18 tuổi trở lên và mũi 2 ở nhóm trẻ 5-11 tuổi tại một số địa phương còn thấp.
Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng vaccine bị thừa, có nguy cơ bị lãng phí. Tại thời điểm giám sát, hầu hết các địa phương còn dư vaccine chưa sử dụng, tại một số địa phương có số vaccine còn dư sắp hết hạn tương đối lớn như: Hải Dương còn dư 107.404 liều, TP Hà Nội dư 103.575 liều, Đồng Tháp dư 109.971 liều, Thái Nguyên dư 22.698 liều, TPHCM dư hơn 375.000 liều... Trong đó, tỉnh Đồng Tháp còn 65.556 liều vaccine Pfizer hạn dùng 30-9 và hơn 4.000 liều vaccine Moderna hạn dùng đến 15-9.
Trong khi đó, tình trạng thiếu thuốc nói chung vẫn diễn ra tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh. Theo báo cáo của Bộ Y tế, có 28/34 sở y tế báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương, gồm các loại: thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nhiễm trùng nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tim mạch, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, vị thuốc cổ truyền.
Về vật tư, trang thiết bị y tế, hầu hết các địa phương tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch nên việc thực hiện mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế rất hạn chế.
Tại tỉnh Thanh Hóa trong năm 2021-2022 không thực hiện hoạt động mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế. Một số địa phương chủ động huy động trang thiết bị, vật tư y tế tại các địa bàn có số ca bệnh thấp cho các địa bàn có số ca mắc tăng cao, do đó vẫn đáp ứng được nhu cầu cơ bản trong khám bệnh, chữa bệnh.
Cơ quan giám sát nhận định, sau khi một số vụ việc sai phạm liên quan đến mua sắm thuốc, vật tư y tế bị khởi tố, truy tố, xét xử, có tình trạng cơ sở y tế công lập “thận trọng quá mức”, thậm chí là “lo ngại” việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế có thể bị sai so với quy định.