Không dung túng cho tội phạm xâm hại trẻ em

HUỲNH THANH LUÂN

Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa yêu cầu lãnh đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp sớm có kết luận về vụ việc một người đàn ông bị tố cáo nhiều lần có hành vi dâm ô bé gái tại phường Nguyễn An Ninh (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngoài trường hợp này, 6 gia đình khác cũng tố cáo người đàn ông đó có hành vi dâm ô đối với con mình. Một vụ án xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE - thể hiện qua các hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô... với người dưới 16 tuổi) nghiêm trọng như thế, dư luận rất bức xúc, nhưng chính các cơ quan tư pháp tại địa phương lại chưa quan tâm đúng mức để làm rõ, xử lý rốt ráo.

Tội phạm XHTDTE đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Hành vi này gây tổn hại đến sức khỏe, sự phát triển bình thường về sinh lý, thể chất, danh dự, phẩm giá, đồng thời xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về tình dục của trẻ em. Nhiều nạn nhân phải nhận hậu quả nặng nề như giảm sút sức khỏe, suy nhược thần kinh, hoảng sợ, bỏ học...

Vụ án dâm ô trẻ em tại phường Nguyễn An Ninh thực sự là hồi chuông cảnh báo về một thực trạng: Trẻ em rất mong manh nhưng chưa được gia đình và xã hội bảo vệ thật chu đáo và hiệu quả; đã có nhiều trường hợp mất cảnh giác, trong khi vẫn có những kẻ thiếu đạo đức và nhân cách, xem thường pháp luật, rình rập XHTDTE. Vì vậy rất cần sự quan tâm thật đầy đủ của các bậc phụ huynh, của từng trường học, từng địa phương và toàn xã hội, đặc biệt là ý thức trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật, để trẻ em được bảo vệ an toàn hơn. 

Theo số liệu của Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM, đa số các đối tượng phạm các tội XHTDTE ở độ tuổi từ 18 - 25 tuổi (chiếm 46,77%), số người chưa thành niên phạm tội hiếp dâm trẻ em chiếm 27%. Qua phân tích 149 vụ án, gần phân nửa số bị hại có độ tuổi 12 - 13. Số liệu đó cho thấy, thanh thiếu niên phạm tội XHTDTE rơi vào độ tuổi tò mò về quan hệ tình dục nhưng lại thiếu kiến thức giới tính - sức khỏe sinh sản, và thiếu kiến thức pháp luật. Trong khi đó, trên Internet đang tràn lan các trang web có nội dung đồi trụy; với rất nhiều phim, truyện, hình ảnh, thậm chí cả truyện tranh có tính cổ vũ, kích động chuyện loạn luân, hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô... với trẻ em.

Khi Internet và trong bối cảnh xã hội có nhiều cám dỗ, việc kiểm duyệt, kiểm soát, quản lý trẻ em tiếp nhận thông tin là điều không đơn giản. Do vậy, rất cần nhà trường và từng gia đình trang bị cho trẻ em ý thức và khả năng miễn nhiễm với cái xấu, cái ác, hiểu biết pháp luật để không hành xử theo bản năng. Đó chính là giáo dục cho trẻ có đủ kỹ năng sống - kỹ năng phòng vệ. Thực tế hiện nay, ngay chính nhiều bậc cha mẹ vẫn thiếu kỹ năng đó, nên đã bất cẩn không bảo vệ được con em. Có người không hiểu XHTDTE là gì, không tin là trẻ em có thể bị XHTD, nên thiếu cảnh giác với những đối tượng có thể có hành vi XHTDTE, thậm chí khi phát hiện con mình bị XHTD cũng không dám tố cáo do xấu hổ, sợ ảnh hưởng đến danh dự gia đình. Khi một diễn viên Việt Nam sang Mỹ rồi bị bắt, bị tù về tội ấu dâm, không ít người trong nước vẫn xem hành vi đó là chuyện nhỏ không đáng. Thậm chí khi diễn viên này ra tù trở về nước, vẫn có người hồ hởi đón như một người chiến thắng trở về, vì chưa đủ ý thức để hiểu XHTDTE là hành vi tội phạm xấu hổ, rất đáng lên án. 

Nếu hiểu rằng trẻ em bị XHTD sẽ bị tổn thương, di hại đến thế nào thì không thể thờ ơ, dung túng cho tội phạm XHTDTE. Vậy mà các cơ quan tư pháp ở TP Vũng Tàu đã thiếu quyết liệt trong việc thụ lý vụ án XHTDTE tại phường Nguyễn An Ninh, để đến nỗi Chủ tịch nước phải nhắc nhở. Đây là bài học cho cả hệ thống chính trị, cần hết lòng, gắng sức trong trách nhiệm bảo vệ trẻ em, ngăn chặn mọi hiểm họa đe dọa sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của thế hệ trẻ.

HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục